Tháng 10-2023, Đoàn Thanh tra EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra thực tế tình hình khai thác hải sản lần thứ 4 |
Dự kiến EC sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 4 vào tháng 10-2023. Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển tập trung thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xác minh, xử lý triệt để tình trạng môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá, nắm được thực trạng tàu cá (số lượng đã đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; số lượng chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoặc hết hạn; tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS...) để sàng lọc, phân loại đảm bảo theo dõi, giám sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu, xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm, nhất là các tàu cá “3 không”.
Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, tàu cá xuất nhập bến tại các đồn, trạm biên phòng; ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện, đặc biệt là tàu không tuân thủ quy định về lắp đặt thiết bị VMS khi khai thác thủy sản.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thủy sản khai thác để chế biến, xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Công điện khẩn này được ký bởi Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cũng đề nghị các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối với: 2 tàu cá nhập khẩu vi phạm quy định IUU tại Công ty Hải Vương, các lô hàng xuất khẩu vi phạm IUU tại Công ty TNHH Thịnh Hưng và Công ty TNHH T&H Nha Trang; cảng cơ khí tàu xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác 7 tấn cá kiếm cho Công ty TNHH Thịnh Hưng và các cảng cá khác (nếu có hành vi tương tự) - như kết luận của Đoàn Thanh tra EC đã chỉ ra tại lần kiểm tra thứ 3.