Khủng hoảng hậu đại dịch cho thấy, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu cho mọi doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Việt nói riêng.
Trong đó, chỉ số ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị doanh nghiệp) trở thành công cụ quan trọng đánh giá mức độ trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp, tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đây là nội dung chủ đạo được phân tích, mổ xẻ tại Hội thảo "Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững", do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam phối hợp Liên chi Hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) tổ chức ngày 26-7.
Hội thảo cung cấp kiến thức và hành lang pháp lý thực hành ESG - hướng tới việc phát triển khu công nghiệp xanh - nhà máy xanh, nhằm nâng cao vị thế của từng Khu công nghiệp, từng doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp thông qua việc hướng tới thực hành bộ tiêu chí ESG để phát bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề nóng, thiết thực và quan trọng mà VIREA sẽ chú trọng, đồng hành cùng hội viên trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Viết Việt, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch Covid 19 đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế xã hội của cả thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức, việc phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách đồng thời cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hiện nay, các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và quản trị doanh nghiệp yếu kém đòi hỏi phải có sự chuyển đổi nhanh chóng để phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, chỉ số ESG đã trở thành công cụ quan trọng để đánh giá mức độ tuân thủ trách nhiệm của một doanh nghiệp.
Dẫn số liệu từ nhiều báo cáo uy tín gần đây, ông Việt cho rằng, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững nói chung và cụ thể là bộ tiêu chuẩn ESG, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, dẫn đến kết quả thực hiện ESG chưa cao.
Trong đó, thực trạng hiện nay tại Việt Nam cho thấy rằng việc tiên phong áp dụng ESG diễn ra hầu hết là doanh nghiệp lớn như FDI, doanh nghiệp đại chúng, các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu… Trong khi chỉ có 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chủ động triển khai ESG và 21% không cân nhắc triển khai ESG trong 2 đến 4 năm tới.
Nhiều khảo sát cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Cụ thể là, Báo cáo triển vọng kinh doanh 2023 của UOB đã thực hiện khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp ASEAN và Trung Quốc cho thấy 94% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhận ra được mức độ quan trọng của phát triển bền vững.
Trình bày tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc kỹ Thuật về ESG của Công ty Tư vấn và đào tạo SMP đã hệ thống khá chi tiết hành lang pháp lý tại Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp chủ động thực hành ESG.
Ông Tuấn cũng cho biết, Việt Nam đã có những cam kết quan trọng về việc ứng phó với biến đổi khí hậu, như năm 2030 sẽ giảm phát thải khí nhà kính từ 9% (thông qua các nguồn lực trong nước) đến 27% (với sự hỗ trợ của quốc tế); Chấm dứt nạn phá rừng vào 2030; Loại bỏ dần nhiệt điện than vào 2024; Đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào 2050.
Tham luận của ông đề cập về các mặt sáng của báo cáo ESG, gồm thúc đẩy tiêu chuẩn ESG; Tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình; Tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Ở chiều ngược lại, các ‘mặt tối’ cũng được nhận diện, gồm những góc khuất trong kiểm kê khí nhà kính, trong báo cáo lộ trình NetZero hay trong báo cáo ESG tổng thể.