Ga Sóng Thần trở thành ga Liên vận quốc tế |
Sự kiện cho thấy nỗ lực của tỉnh nhằm phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, mở ra cơ hội giao thương quốc tế cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và cả vùng Đông Nam bộ.
Tiếp cận các trung tâm công nghiệp lớn
Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương có giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước, chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt bình quân trên 8%/năm trong 10 năm qua và là địa phương đứng thứ 4 về xuất khẩu cũng như nhập khẩu của cả nước với hệ thống hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối với hệ thống cảng biển lớn là Cát Lái, Cái Mép.
Tàu hàng từ ga Sóng Thần sẽ giúp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đến và đi từ Bình Dương |
Tuy nhiên, hệ thống đường sắt chưa được sử dụng nhiều đã gây áp lực lớn đến mạng lưới đường bộ. Do đó, việc mở ra phương thức vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt không chỉ giúp khai thác hiệu quả loại hình vận tải này mà còn là bước đầu giúp doanh nghiệp kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc và các nước thuộc khu vực châu Âu, qua đó dễ dàng tiếp cận đến các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ lớn tại Quảng Châu, Côn Minh (Trung Quốc), đặc biệt là các tỉnh nội địa của nước bạn nằm xa hệ thống cảng biển. Bên cạnh đó, việc tổ chức vận chuyển liên vận hàng hóa bằng đường sắt đã giúp giảm sức ép lên hệ thống đường bộ Bắc - Nam, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Satraco), hiện nay nhu cầu vận chuyển các loại hàng hóa như dệt may, da giày, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu cho các khu công nghiệp của Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM rất cao. Tuy nhiên trước đây do chưa thực hiện được liên vận quốc tế nên hàng hóa xuất nhập khẩu qua ga Sóng Thần mới chỉ chiếm tỷ lệ từ 10%-15% tổng sản lượng vận chuyển qua ga.
Với các cơ hội giao thương được mở ra từ hình thức liên vận quốc tế, các đoàn tàu chuyên container có thể vận chuyển bình quân 21 container/chuyến với hơn 500 tấn hàng hóa, là lợi thế rất lớn để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải, qua đó tăng sức cạnh tranh với các bạn hàng trên thế giới.
Sớm nâng cấp ga Sóng Thần
Theo VNR, ga Sóng Thần có vị trí trọng yếu, nằm giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TPHCM, có khả năng kết nối với nhiều tỉnh, sản lượng vận chuyển hàng hóa năm 2022 đạt trên 1,6 triệu tấn và đến năm 2025 dự kiến đạt trên 2,5 triệu tấn.
Tỉnh Bình Dương hiện có quan hệ ngoại thương với hơn 102 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường Trung Quốc và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu (Kazakhstan, Nga, Belarus và các nước châu Âu), nhu cầu vận tải rất lớn nhưng hầu hết hàng hóa đến và đi từ các thị trường này chủ yếu thực hiện bằng đường biển.
Để mở đường cho hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ khu vực phía Nam sang thị trường Trung Quốc và quá cảnh Trung Quốc đi các nước thứ 3, VNR đã phối hợp UBND tỉnh Bình Dương xúc tiến, triển khai kế hoạch tổ chức các đoàn tàu xuất, nhập khẩu xuất phát từ ga liên vận quốc tế Sóng Thần. Hiện VNR đã có văn bản gửi ngành chức năng xem xét bố trí kinh phí để đầu tư nâng cấp cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt phục vụ khai thác chạy tàu tại khu vực ga Sóng Thần, trong đó có nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ nội bộ; xây dựng bổ sung thêm 1 bãi hàng 2.005m2 .
Đồng thời, VNR kiến nghị đặt mới 1 đường xếp dỡ dài 337m tại bãi hàng An Bình; xây dựng, cải tạo bổ sung thêm 1 bãi hàng diện tích 7.126m2 ; xây dựng khu duy tu, sửa chữa, bãi tập kết xe container, bãi rửa vỏ container, khu xếp dỡ hàng lạnh; xây dựng kho lạnh, kho hàng 2.500m2 ; xây dựng khu vực nhà chức năng... và các các hạng mục đồng bộ khác với tổng mức đầu tư dự kiến là 150 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).
Ga Sóng Thần cần sớm được nâng cấp |
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho rằng, các nước trên thế giới đều chú trọng phát triển đường sắt phục vụ phát triển kinh tế với các lợi thế vận chuyển nhanh chóng, giá thành rẻ, dễ dàng kết nối để vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế. Đối với tỉnh, việc vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt qua ga Sóng Thần góp phần giải quyết tình trạng quá tải của vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ga Sóng Thần hoàn toàn có thể đóng vai trò là nơi tập kết và phân phối hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đi các cửa khẩu biên giới phía Bắc và phía Nam, tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics của tỉnh và cả vùng Nam bộ, gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo, tạo việc làm cho người lao động và góp phần đạt được mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.