Thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam-Trung Quốc

Ngày 14-2, tại tỉnh Lạng Sơn, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Cán bộ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Bộ NN-PTNT) tại TP Lạng Sơn kiểm tra các mẫu trái cây trước khi thông quan
Cán bộ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Bộ NN-PTNT) tại TP Lạng Sơn kiểm tra các mẫu trái cây trước khi thông quan

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 8-1 đến nay, khi Trung Quốc giảm cấp độ phòng chống dịch Covid-19 từ nhóm A xuống nhóm B, các biện pháp kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trong hoạt động xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại biên giới được nới lỏng. Mặc dù vậy, quá trình triển khai vẫn có những quy định khiến chi phí phát sinh cao. Lái xe Việt Nam khi chở nông sản sang Trung Quốc vẫn phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo phương pháp PCR, ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi tại các cửa khẩu. Bên cạnh đó, theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Trung Quốc có xu hướng giảm dần và tiến tới dừng hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch”.

Về vấn đề này, Cục Chất lượng - chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho rằng, hai nước cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khâu kiểm dịch hàng nông sản tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường và ga đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu. Hai bên tăng cường hợp tác, đầu tư kho lạnh, kho bảo quản hàng nông sản tại khu vực biên giới của mỗi nước. Đại diện Tập đoàn Công nghệ cảng thông tin Trung Quốc - ASEAN cũng cho rằng, thông tin về nông sản đang còn thiếu, cự ly vận chuyển hàng hóa lớn, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật số về logistics, nhất là thiếu kho hàng lớn ở nước ngoài, nên đề xuất xây dựng kho ngoại quan ở cả Việt Nam và Trung Quốc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khó khăn lớn nhất để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là còn tới 7/12 mặt hàng chưa có nghị định thư, khiến một số mặt hàng chủ lực khó phát huy hết tiềm năng. Thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói cũng còn lâu, như thanh long cần 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng đang có tiềm năng nhưng hiện mã số được cấp chỉ đạt khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Tây Vương Chính Ba đề nghị phía Việt Nam tạo điều kiện cho hoạt động thu mua online, tìm cách giảm bớt hơn nữa thời gian thông quan. Trong khi đó, ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc, khẳng định, luôn sẵn sàng phối hợp các cơ quan liên quan của Việt Nam để bảo đảm môi trường xuất nhập khẩu lành mạnh, nhưng nguyên tắc cao nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn đề cao thị trường Trung Quốc và kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ghi nhận của PV Báo SGGP tại Đồng Nai, một tuần trở lại đây, giá sầu riêng giảm mạnh, từ 200.000 đồng/kg xuống còn 100.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Quý Mão. Theo các doanh nghiệp thu mua sầu riêng, hiện đang vào cuối vụ nghịch nên sầu riêng khan hiếm, không đủ số lượng cung cấp cho đối tác ngoài nước nên nhiều doanh nghiệp tạm ngưng đóng hàng xuất khẩu, dẫn đến sụt giá. Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước với hơn 9.100ha, sản lượng hơn 50.000 tấn/năm, tập trung ở các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc, TP Long Khánh; có 51 vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc được cấp mã số với 3.000ha.

HOÀNG BẮC

Tin cùng chuyên mục