Ngày 25-5, UBND TPHCM đã khai mạc diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TPHCM năm 2023. Đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức hội chợ xuất khẩu và đã thu hút sự tham gia của 200 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành chủ lực của thành phố. Đặc biệt, hội chợ được xem là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu khi thu hút hơn 8.000 nhà mua hàng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Chưa thể dừng đà giảm
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ, trong thời gian gần đây, bối cảnh thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, khó lường, thương mại toàn cầu giảm sút đã và đang tác động lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta chỉ đạt 230 tỷ USD, giảm 15,4%, tương ứng giảm 42,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 118,58 tỷ USD, giảm 12,8%. Riêng TPHCM cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm đến 21,1%. Lượng đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực tại châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều giảm mạnh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết, tình trạng khó khăn còn đang diễn biến phổ biến tại nhiều doanh nghiệp. Không những vậy, nhiều thị trường thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang gặp khó. Trong khi đó, yêu cầu về “xanh hóa” đối với sản phẩm xuất khẩu đến các thị trường này cũng ngày một gắt gao. Đây cũng là một thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải.
Đại diện các doanh nghiệp tham quan gian hàng tại Diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TPHCM 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ MP Crafts, thông tin, khó khăn đã hiện diện thường trực trong các doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp sản phẩm của công ty là hàng thủ công mỹ nghệ thân thiện môi trường nên không chịu ảnh hưởng bởi thuế xuất khẩu hoặc các rào cản kỹ thuật. Trung bình mỗi năm trước đây, doanh thu xuất khẩu của công ty sang thị trường Hoa Kỳ đạt 4 triệu USD. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, doanh thu đã giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp khác thì cho biết, mặc dù đã nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, nhưng vẫn lo vì thị trường nhập khẩu luôn đưa ra các rào cản mới về môi trường.
Cụ thể, với doanh nghiệp sản xuất gỗ phải chứng minh nguồn nguyên liệu sản xuất phải là rừng trồng. Sản phẩm nông nghiệp phải được cấp mã vùng và chứng minh đất trồng không phải là đất rừng. Đặc biệt, với những ngành sử dụng nhiều năng lượng như sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng… phải có giải pháp trung hòa carbon… Những rào cản này đã và đang được nhiều thị trường trên thế giới đồng thuận và áp dụng, nhất là tại châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc - vốn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trên thực tế, đơn hàng xuất khẩu Việt Nam qua các thị trường này từ đầu năm đến nay đã giảm 60%.
“Xanh hóa” sản xuất - yếu tố sống còn
Trước thực tế đó, ông Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Trước hết, với hội chợ xuất khẩu lần đầu tiên tổ chức tại TPHCM diễn ra từ ngày 25 đến 28-5 với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của thành phố và 8.000 nhà thu mua trên toàn cầu, được xem là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị phần xuất khẩu.
Cũng tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất thành phố và các bộ ngành trung ương, địa phương cần tập trung đưa ra những giải pháp thúc đẩy liên kết thương mại, dịch vụ, đề xuất chiến lược phát triển kinh tế vùng trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, thực hiện liên kết vùng có tính đến yếu tố đáp ứng rào cản xuất khẩu “xanh”, đáp ứng các yêu cầu quốc tế về kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Có thể thấy, với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã tham gia ký kết và có hiệu lực, việc tuân thủ luật chơi mới về thương mại và đầu tư, đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định, mà còn giúp hàng hóa của nước ta rộng đường xuất khẩu. Bởi các yếu tố sản xuất “xanh”, “bền vững”, “thân thiện với môi trường” chính là cơ sở nền tảng để doanh nghiệp nước ta được hưởng những ưu đãi về thuế của quốc gia nhập khẩu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố nghiêm túc nghiên cứu và đề xuất, tham mưu cho thành phố. Trên cơ sở đó, lãnh đạo thành phố đề xuất Trung ương ban hành chính sách chiến lược, pháp luật “vượt trội”, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
* Bà ĐINH HỒNG VÂN, Giám đốc tiếp thị Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan: Cơ hội cho các doanh nghiệp nội
Hội chợ xuất khẩu TPHCM là một sáng kiến rất thiết thực của TPHCM trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đẩy mạnh giao thương kinh tế sau đại dịch Covid-19. Sự kiện này không chỉ thể hiện sức mạnh xuất khẩu đa ngành của Việt Nam đối với nhà mua hàng quốc tế mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa tham gia giới thiệu và quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến các đối tác quốc tế. Chúng tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ được tổ chức hàng năm và là một trong những sự kiện tiêu biểu của TPHCM nói riêng và thế giới nói chung như những sự kiện tương tự khác của thế giới.
* Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Phó Chủ tịch Hội Rau củ Việt Nam, Chủ tịch Hội Sản phẩm nông nghiệp TPHCM: Phải đáp ứng rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật
Trong “cuộc chơi” xuất khẩu nông sản, Việt Nam là bên yếu thế. Bởi lẽ, “luật chơi” được các nước đề ra, với những rào cản kỹ thuật rất khắt khe, ảnh hưởng rất lớn đến năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Đơn cử, trái bưởi muốn vào thị trường Hoa Kỳ phải đàm phán trực tiếp hết 8 năm. Còn để có thể xuất vào thị trường châu Âu hay Canada, trái bưởi Việt Nam phải đảm bảo đạt 36 tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, chỉ cần sản phẩm xuất khẩu Việt Nam vi phạm một trong số 36 tiêu chuẩn đó thì ngay lập tức bị cấm nhập khẩu. Do vậy, để có thể duy trì ổn định kim ngạch xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam cần đáp ứng rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật và rào cản “xanh”, như: có mã vùng trồng, không sử dụng công nhân dưới độ tuổi lao động hay quá giờ làm việc, nông sản không trồng trên đất phá rừng…
* Ông ĐINH QUANG KHÔI, Giám đốc Marketing Mega Market: Xuất khẩu qua các chuỗi bán lẻ quốc tế
Với hệ thống BigC tại Thái Lan, Lào và Campuchia, chúng tôi có thế mạnh để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua các kênh phân phối của mình. Từ năm 2019, mỗi năm chúng tôi tổ chức một lần hội chợ hàng Việt Nam ở Thái Lan, là cơ hội kết nối giao thương để Việt Nam mang hàng hóa sang Thái. Năm qua, trong số 35 doanh nghiệp mang hàng sang triển lãm, có 14 doanh nghiệp đã được BigC Thái Lan ký hợp đồng mua bán.
Hàng Việt Nam rất chất lượng, nhưng để mở rộng hơn thị phần, cần cải thiện khâu tiếp thị và nhà xưởng, đóng gói. Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực sản xuất để cải thiện năng lực cạnh tranh. Hội chợ xuất khẩu TPHCM năm 2023 giúp doanh nghiệp giảm được chi phí mang hàng hóa ra nước ngoài triển lãm, đồng thời là cơ hội để mời các đối tác qua Việt Nam trực tiếp tìm hiểu nhiều mặt hàng thế mạnh của nước ta.
MAI HOA ghi