Thúc đẩy triển khai dự án tham gia thị trường carbon

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, sau thời gian nghiên cứu, các cơ quan liên quan cho biết việc xây dựng các hạng mục và nguồn vốn đầu tư để tham gia thị trường carbon đã cơ bản thành hình hài.

Đầu tư dự án thân thiện môi trường

Cuối tháng 2 vừa qua, ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, đã trình UBND TPHCM phương án đề xuất đầu tư “Dự án đô thị carbon thấp tại TPHCM trong các lĩnh vực ưu tiên”. Dự án chia làm 4 hợp phần, tổng mức đầu tư là 250 triệu USD.

Hợp phần thứ nhất bao gồm đầu tư, lắp đặt, thay thế hệ thống đèn đường từ dạng đèn sợi đốt sang đèn LED thông qua sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh. Tiếp theo, đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cho các tòa nhà công và trong khuôn viên các nhà máy xử lý nước thải tập trung, các nhà máy cung cấp nước sạch... Kế đó là đầu tư các trang thiết bị tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà hành chính công và nhà máy xử lý nước thải tập trung, các nhà máy cung cấp nước sạch.

d5c-4943.jpg
Lắp đặt đèn mới tiết kiệm điện trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Cao Tung Sơn, Trưởng Phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN-MT TPHCM, cho biết, với dự án thay thế đèn LED và lắp đặt điện mặt trời trên các mái nhà công sở, tổng lượng giảm phát thải trong 10 năm dự kiến gần 1 triệu tấn CO2 và nguồn thu chỉ riêng từ bán tín chỉ carbon có thể đến 220 tỷ đồng (chưa tính phần tiết kiệm điện). Chi phí dự án này khoảng 170 triệu USD, trong đó 150 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và 20 triệu USD viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan.

Hợp phần thứ 2 của dự án là thiết lập và triển khai vận hành cơ chế tín chỉ carbon. Các công việc cụ thể như hoàn thiện tài liệu hoạt động của dự án và các tài liệu thiết kế dự án để nộp cho tổ chức phát hành tín chỉ carbon quốc tế, thuê tư vấn thẩm định và xác minh, xây dựng kế hoạch chia sẻ lợi ích, báo cáo giám sát, tổng hợp giảm phát thải và nộp yêu cầu phát hành tín chỉ, đấu giá tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế… Chi phí dự tính 10 triệu USD, từ viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan.

Hợp phần thứ 3 là thúc đẩy khối tư nhân đầu tư các giải pháp giảm phát thải thông qua tiếp cận thị trường carbon quốc tế. Đây là một cơ chế thay thế các ưu đãi về thuế vốn phổ biến ở các thành phố có thu nhập cao ở Mỹ, châu Âu bằng nguồn thu từ thị trường carbon quốc tế. Từ đó góp phần kích thích các khoản đầu tư nhỏ và phân mảnh của khu vực tư nhân. Khoản hỗ trợ tài chính được chi trả dựa trên một kế hoạch chia sẻ lợi ích.

Chi phí khoảng 40 triệu USD, trong đó 20 triệu USD từ viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan, còn lại vay từ WB. Hợp phần thứ 4 sẽ hỗ trợ các công việc liên quan để thực hiện đầu tư các hạng mục thuộc 3 hợp phần nói trên, bao gồm các công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, tư vấn, quản lý dự án và các loại thuế. Chi phí dự kiến 30 triệu USD, sử dụng từ vốn đối ứng của TPHCM. Toàn bộ công tác nói trên chuẩn bị từ năm 2024 đến năm 2025; năm 2026 đầu tư xây dựng; đến 2030 thì hoàn tất và đưa vào sử dụng.

Bước đệm để tham gia thị trường carbon

Đánh giá toàn diện về dự án nói trên, ông Bùi Thanh Tân nói, việc thực hiện các giải pháp trong khuôn khổ của dự án góp phần đạt các mục tiêu giảm khí thải CO2 hướng tới mục tiêu đạt định mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tạo nguồn thu cho ngân sách từ việc tạo, phát hành và bán tín chỉ carbon chất lượng cao trên thị trường tài chính carbon quốc tế; đảm bảo thực hiện tốt và tối ưu hóa cơ chế tài chính carbon.

Bên cạnh đó, dự án góp phần khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân thực hiện các giải pháp giảm phát thải thông qua việc chi trả khoản hỗ trợ cho khối tư nhân khi các đơn vị này chuyển giao lượng giảm phát thải cho thành phố để giao dịch tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn thu từ thị trường carbon quốc tế...

Về tiến độ thực hiện, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM, cho biết, đơn vị đang làm việc với đại diện WB về xúc tiến thực hiện mua bán tín chỉ carbon cho TPHCM.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) gợi ý, thành phố có thể ban hành các chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập mục tiêu và kế hoạch giảm phát thải một cách tự nguyện, giao dịch tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải của cơ sở.

Việc phát triển thị trường carbon sẽ giúp thành phố tạo nguồn thu đáng kể thông qua phát hành và bán tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải khí nhà kính. Ở chiều ngược lại, thị trường carbon sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, thu hút nguồn tài chính khí hậu quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và tạo nhiều việc làm mới.

“Thành phố đã có chủ trương, cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 để triển khai các dự án, quan trọng lúc này là cần cụ thể hóa, thể chế hóa các hoạt động. Có bắt tay vào làm mới biết được còn vướng chỗ nào để từ đó có sự tháo gỡ tiếp theo”, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Theo Sở Công thương TPHCM, thực hiện Nghị quyết 98/2023/ QH15, thành phố có khoảng 2.619 tòa nhà công sở của các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện về diện tích mái nhà và công suất lắp đặt để triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và sẽ có khoảng 166.357kWp điện năng được tạo ra từ các cơ sở này.

Dự kiến đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời. TPHCM cũng đặt ra các mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà; đến hết năm 2025 có 100% hệ thống chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED

Tin cùng chuyên mục