Thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong mỗi người dân: Sức lan tỏa của sáng tạo

Nhiều công trình tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 4 được Hội đồng cấp thành phố đánh giá cao bởi sức lan tỏa của công trình không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Trong đó, không ít công trình hướng đến tôn vinh những giá trị cao đẹp, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, khẳng định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của TPHCM.

Đưa ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế

Nhắc đến lịch sử của phở, nhiều chuyên gia đánh giá có thể bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20 ở các tỉnh miền Bắc và Hà Nội được cho là nơi đầu tiên xuất hiện món ăn này. Thế nhưng, cách đây 8 năm, tại TPHCM đã diễn ra cuộc triển lãm “Con đường của phở” và mở đầu cho sự kiện “Ngày của phở” (12-12) được công nhận.

Sau 8 năm khởi xướng và tổ chức, “Ngày của phở” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức đã trở thành sự kiện thường niên, góp phần khẳng định phở là “quốc hồn quốc túy” của ẩm thực Việt Nam. Theo đại diện Báo Tuổi Trẻ, thời gian đầu chỉ có khoảng 1.000 người và chưa đến 10 quán phở tham gia, thì đến nay, đã có hàng vạn người, bao gồm người dân, bạn đọc, cơ quan ban ngành có liên quan tham gia đồng hành cùng chương trình “Ngày của phở”.

Cùng với đó, các hoạt động như: hội thi nấu phở, vinh danh nghệ nhân và thương hiệu phở đã nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật chế biến phở. Đặc biệt, hàng trăm ngàn tô phở được phục vụ miễn phí, ưu đãi tại nhiều địa phương như TPHCM, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Lào Cai, Nam Định… để phục vụ trẻ em nghèo.

Theo ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, Trưởng ban tổ chức chương trình “Ngày của phở”, để đi đến chặng đường 8 năm như hôm nay, “Ngày của phở” đã đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Những người thực hiện chương trình đã vất vả chăm chút cho từng hạng mục, từng nội dung, từng đề xuất, bảo vệ từng ý tưởng. Nhưng bằng tâm huyết, sự quyết tâm và cách làm sáng tạo, Báo Tuổi Trẻ đã đưa chương trình lớn mạnh như hôm nay.

Theo đó, chương trình đã mở rộng tầm ảnh hưởng bằng cách tổ chức Vietnam phở Festival tại Nhật Bản vào năm 2023 và Hàn Quốc năm 2024. Chính các sự kiện đã đánh dấu bước tiến trong việc quốc tế hóa phở Việt, quảng bá phở và ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Trần Xuân Toàn chia sẻ, chương trình “Ngày của phở” là hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực quan trọng, nhằm tôn vinh món phở - một biểu tượng ẩm thực của Việt Nam. Chương trình đã lan tỏa giá trị văn hóa và tinh thần sẻ chia đến cộng đồng, góp phần nâng tầm ẩm thực Việt, lan tỏa món phở truyền thống Việt bay cao và xa khắp các tỉnh thành trong nước cũng như thế giới với chương trình “Vietnam phở Festival”.

Đồng thời “Ngày của phở” cũng mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp khi góp phần tôn vinh giá trị hạt gạo Việt, tăng cường giao lưu văn hóa, thúc đẩy du lịch, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước.

Từ tình yêu nông sản Việt

Cách đây gần 20 năm, khi còn là kỹ sư cơ khí chuyên nghiên cứu, chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, anh Nguyễn Hồng Huy (Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chocolate Hallelu) nhận thấy Việt Nam có những vùng trồng cây ca cao năng suất rất lớn nhưng chưa đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân vì chưa có đầu ra.

Khi đó, anh Huy nghĩ mình phải làm gì đó để hỗ trợ nông dân và tìm lại giá trị cho ngành ca cao Việt Nam. Với chuyên môn về cơ khí, niềm yêu thích chocolate và khát khao đưa nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế, anh Huy nảy sinh sáng kiến chế tạo máy chế biến sâu hạt ca cao, sản xuất chocolate.

Sau quá trình tìm tòi nghiên cứu, anh Huy phát minh ra sản phẩm đầu tiên là máy nghiền hạt ca cao với công suất lên tới 80kg/lượt, đảm bảo khả năng chạy liên tục đến 90 giờ và chính thức “dấn thân” vào ngành sản xuất chocolate. Thế nhưng, sản xuất chocolate phải trải qua nhiều công đoạn và mỗi công đoạn đòi hỏi máy móc, công nghệ riêng.

Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có các thiết bị sản xuất chocolate theo quy trình khép kín nên anh Huy tiếp tục tìm tòi. Sau hơn 7 năm nghiên cứu, đến nay anh đã chế tạo thành công toàn bộ dây chuyền sản xuất chocolate khép kín, gồm máy gia nhiệt chocolate, máy ép bơ ca cao, máy nghiền chocolate, máy rung khuôn chocolate, máy bọc viên, chocolate, máy tách vỏ hạt ca cao.

Đây là những loại máy sản xuất chocolate đầu tiên tại Việt Nam với công nghệ tương đương châu Âu, nhưng giá thành chỉ bằng 1/2 giá nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển ngành ca cao bền vững. Với dây chuyền sản xuất khép kín, Hallelu mở nhà xưởng sản xuất, thu mua hạt ca cao của nông dân ở nhiều tỉnh thành.

Từ đây, những sản phẩm chocolate thủ công “made in Vietnam” mang thương hiệu Hallelu đã ra đời, khẳng định sự tự chủ của người Việt từ khâu nguyên liệu đầu vào đến công nghệ sản xuất. Sản phẩm Hallelu cũng tiếp cận thị trường quốc tế như Nhật Bản, Pháp và có mặt ở các sân bay quốc tế.

“Ban đầu tôi chỉ nghĩ làm sao để nghiên cứu ra công nghệ cho mình, nhưng khi giá trị công nghệ được công nhận, dù có thể giữ để làm bí quyết riêng nhưng tôi chọn lan tỏa, chuyển giao công nghệ cho người Việt Nam với giá rẻ hơn máy móc nhập khẩu, để góp phần phát triển ngành ca cao, giúp bà con nông dân có thu nhập tốt hơn”, anh Nguyễn Hồng Huy chia sẻ.

Điểm nhấn ấn tượng của du lịch sông nước TPHCM

Cùng với sự phát triển của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM qua hơn 300 năm, các con sông và kênh rạch nối liền với sông Sài Gòn đã tạo nên dòng chảy bất tận đổ ra biển lớn, để dấu sông hồn phố tạo nên một vùng đô thị giàu sức sống, tràn đầy năng lượng và luôn hướng mình về tương lai.

Tại đây, hoạt động “Trên bến dưới thuyền” trở thành nếp sống, là văn hóa, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá. Cũng từ đó, Lễ hội sông nước TPHCM do Sở Du lịch TPHCM thực hiện đã ra đời.

Theo đại diện Sở Du lịch TPHCM, dự kiến Lễ hội sông nước lần 3 sẽ tổ chức cuối năm nay, tiếp tục mang đến điều bất ngờ, mới lạ; trở thành “điểm hẹn” của du khách trong và ngoài nước khi đến TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Lễ hội được kỳ vọng giúp đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế.

K5a.jpg
Sắc màu vui tươi của Lễ hội sông nước TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Qua 2 mùa tổ chức, sự kiện Lễ hội sông nước TPHCM đã tạo tiếng vang lớn, trở thành điểm nhấn ấn tượng cho ngành du lịch TPHCM. Số liệu từ Sở Du lịch TPHCM, sau 10 ngày tổ chức Lễ hội Sông nước TPHCM lần 2 cho thấy, hơn 4,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến vui chơi, trải nghiệm. Doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 4.250 tỷ đồng.

Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, phân tích, các hoạt động tại lễ hội diễn ra nối tiếp, liền mạch với những màn trình diễn ấn tượng vào đêm khai mạc như: trình diễn pháo hoa; chương trình nghệ thuật đặc biệt “Chuyến tàu huyền thoại” quy mô hoành tráng cùng nhiều yếu tố bất ngờ, đã nhanh chóng tạo thành đợt “sóng mạng” quy mô lớn, khi thu hút hơn 157.100 lượt tương tác và 36.500 lượt thảo luận khi vừa khai mạc…

Thêm nữa, hàng loạt sự kiện diễn ra xuyên suốt lễ hội ở khắp các quận, huyện, TP Thủ Đức đã kích hoạt khách đến đông nghẹt. Chính sự sáng tạo trong tổ chức đã khiến người xem choáng ngợp, muốn quay trở lại nhiều lần để có cơ hội thưởng thức và trải nghiệm lễ hội này.

Truyền cảm hứng thi đua sáng tạo

Trong 52 công trình, giải pháp, đề tài, tác phẩm xuất sắc được Hội đồng xét chọn Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 4 năm 2025 chọn trao giải thưởng có công trình “Giải pháp tuyên truyền lan tỏa cảm hứng thi đua sáng tạo vì sự phát triển TPHCM văn minh, hiện đại” của Báo SGGP (thuộc lĩnh vực 4 - Truyền thông).

Đây là giải pháp không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị của Báo SGGP, mà còn là sự nỗ lực đổi mới sáng tạo trong tuyên truyền hoạt động thi đua đổi mới, lan truyền động lực, cảm hứng góp phần đưa TPHCM phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên thịnh vượng.

Theo đó, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập ngày càng gay gắt, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, Báo SGGP đã chủ động đổi mới, tận dụng thế mạnh để sáng tạo trong công tác tuyên truyền, góp phần củng cố tư tưởng, chính trị trong Đảng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Với định hướng rõ ràng, Báo không chỉ tập trung lan tỏa phong trào thi đua sáng tạo mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, nhân rộng các điển hình tiên tiến, truyền cảm hứng mạnh mẽ để đồng hành cùng TPHCM phát triển văn minh, hiện đại.

Sự sáng tạo của Báo SGGP thể hiện qua việc kết hợp giữa nội dung tuyên truyền trọng tâm và cách thức thể hiện đa dạng để tuyên truyền hiệu quả các chính sách lớn của Trung ương và TPHCM. Ngoài ra, Báo SGGP cũng nỗ lực ứng dụng công nghệ số, kết hợp báo in với nội dung đa phương tiện như video, infographic, longform… trên báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội.

Đặc biệt, các chiến dịch tuyên truyền, nhất là về phong trào thi đua sáng tạo nói chung và Giải thưởng Sáng tạo TPHCM nói riêng được Báo SGGP triển khai đồng bộ, đã lan tỏa thông tin, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục