Thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong mỗi người dân: Công nghệ tỏa vào cuộc sống

Trong 52 công trình được Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp thành phố họp và cho ý kiến xét chọn để trình UBND thành phố trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 4 - năm 2025, nhiều công trình đã ứng dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề tồn đọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Kết nối chính quyền với người dân trên môi trường số

Mấy tháng qua, chị Nguyễn Thị Phương (ngụ quận 4, TPHCM) thường xuyên sử dụng tuyến metro số 1 để đi học ở TP Thủ Đức. Từ khi thành phố có chính sách giảm giá vé metro cho sinh viên trên ứng dụng Công dân số TPHCM, chị Phương chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng, nhập thông tin cá nhân, chụp hình thẻ sinh viên để đăng ký và sử dụng mã QR để qua cổng soát vé điện tử.

J1d.jpg
Tuổi trẻ quận 1 đến từng nhà hướng dẫn người dân cài đặt, tìm hiểu các tiện ích trên Ứng dụng Công dân số TPHCM. Ảnh: QUỐC THANH

Trên đường từ nhà đến ga metro Bến Thành, thấy nhiều rác thải bị bỏ bừa bãi dưới chân cầu Calmette, chị Phương lấy điện thoại chụp hình và gửi phản ánh vào ứng dụng Công dân số TPHCM. Chỉ ít phút sau, phản ánh của chị Phương được chính quyền địa phương tiếp nhận và xử lý, phản hồi ngay trên ứng dụng. “Ứng dụng Công dân số TPHCM có rất nhiều tiện ích, nhất là việc kết nối giữa người dân với chính quyền. Chỉ cần đăng nhập ứng dụng Công dân số để gửi và theo dõi việc xử lý phản ánh của mình ngay trên ứng dụng”, chị Phương chia sẻ.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM (là cơ quan trực tiếp xây dựng, vận hành ứng dụng Công dân số TPHCM), cho hay, trước khi có ứng dụng Công dân số TPHCM, để giải quyết các nhu cầu của đời sống, người dân phải liên hệ, sử dụng nhiều ứng dụng, hệ thống khác nhau. Mặc dù việc tiếp nhận tương tự nhau, nhưng các hệ thống này hoạt động rời rạc, thiếu điểm tập trung thống nhất, gây phiền hà cho người dân. Từ đó, sáng kiến xây dựng một ứng dụng thống nhất kết nối, tương tác hai chiều giữa chính quyền với người dân được ra đời. Đến tháng 11-2024, ứng dụng Công dân số TPHCM được ra mắt, trở thành phương tiện kết nối chính quyền TPHCM với người dân trên môi trường số.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, việc trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM nhằm tôn vinh, khuyến khích các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, trong công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. TPHCM đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 4 cũng là một trong những hoạt động triển khai Nghị quyết 57. Đặc biệt, 52 công trình trao giải lần này đã thể hiện tinh thần sáng tạo của người dân TPHCM ở mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, ứng dụng Công dân số TPHCM được xây dựng trở thành một ứng dụng di động duy nhất, thống nhất phục vụ người dân ở mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội, là kênh giao tiếp hai chiều giữa chính quyền thành phố và người dân bằng tương tác “một chạm” dễ dàng, đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân.

“Ứng dụng Công dân số TPHCM là ứng dụng đầu tiên tích hợp tất cả dịch vụ công vào một nền tảng duy nhất, giúp người dân tương tác nhanh chóng với chính quyền, giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính và thuận lợi trong công tác tuyên truyền chính sách trong thời đại công nghệ số”, bà Võ Thị Trung Trinh thông tin. Đến nay, ứng dụng đã kết nối Kho dữ liệu dùng chung với tài khoản định danh điện tử VNeID của gần 6 triệu người dân tại TPHCM. Trong tương lai, thành phố tiếp tục hoàn thiện, tích hợp các tiện ích khác để xây dựng ứng dụng vừa là nền tảng giải quyết những vấn đề hành chính công, vừa có thể phục vụ tất cả dịch vụ công, trở thành công cụ để người dân giao tiếp với chính quyền.

“Phủ sóng” công nghệ, đẩy lùi tín dụng đen

TPHCM những năm gần đây, đối mặt với sự gia tăng của tội phạm tín dụng đen và các hành vi lừa đảo ngày càng manh động, tinh vi. Đi kèm với đó là hàng loạt tờ rơi, quảng cáo tín dụng đen, các dịch vụ như “hút hầm cầu”, “khoan cắt bê tông”… bị đội giá lên, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và làm xấu đi mỹ quan đô thị. Trước tình hình đó, công trình sáng tạo của Công an TPHCM mang tên “Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng chống tội phạm liên quan tín dụng đen và xử lý quảng cáo trái phép giữ gìn mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố” đã mở ra một hướng đi mới, kết hợp giữa tuyên truyền trực tiếp và ứng dụng công nghệ.

J5a.jpg
Công an TPHCM ứng dụng bản đồ số trong công tác nắm tình hình các hoạt động tín dụng đen. Ảnh: CHÍ THẠCH

Là một trong những người trực tiếp triển khai công trình, Thiếu tá Đặng Văn Thắng, Trưởng ban Thanh niên Công an TPHCM, cùng anh em trong đơn vị đã có rất nhiều trăn trở. “Công việc của chúng tôi không dừng lại ở ngăn chặn hành vi phạm tội hay cải tạo mỹ quan đô thị, mà còn kêu gọi người dân chung tay góp sức, để chính mình không trở thành những con mồi của tín dụng đen. Tuy nhiên, các đối tượng tín dụng đen thường thay đổi phương thức hoạt động tinh vi trên không gian mạng, còn tờ rơi cứ xé rồi lại tìm cách dán vào ban đêm. Mọi thứ dường như không có điểm dừng”, Thiếu tá Đặng Văn Thắng tâm sự.

Theo Thiếu tá Thắng, trong cuộc chiến dài hơi ngăn chặn tội phạm tín dụng đen, nhờ ứng dụng công nghệ, Công an Thành phố đã xử lý hơn 3.000 số điện thoại liên quan cho vay tài chính; kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, xử phạt vi phạm hành chính nhiều đối tượng về hành vi cho vay và hành vi dán quảng cáo sai quy định. Đồng thời, Công an Thành phố đã phát hành hơn 130.000 tờ bướm tuyên truyền và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, bao gồm fanpage “Thông tin Chính phủ” và các fanpage của Bộ Công an, Đài Truyền hình Quốc gia để tiếp cận người dân, nâng cao hiệu quả truyền thông.

Trong năm 2024, Công an TPHCM đã tổ chức 7 đợt ra quân bóc xóa sản phẩm quảng cáo sai quy định với hơn 45.000 lượt người tham dự, phối hợp Hội Quảng cáo thành phố trình chiếu hơn 620.000 lượt tuyên truyền trên các bảng điện tử, màn hình led ngoài trời… Phương thức truyền tải thông tin ngoài trời mang lại sự hiện đại, mới mẻ, thu hút người dân quan tâm. Không dừng ở việc gỡ bỏ quảng cáo sai quy định tại các bức tường, cột điện…, sau các đợt ra quân, Công an TPHCM phối hợp các đơn vị thực hiện bức tranh bích họa chất lượng cao với chủ đề “Việt Nam tươi đẹp”. Sau gần 6 năm triển khai, 17 bức tranh bích họa sinh động, tràn đầy màu sắc đã thay thế cho những tờ rơi quảng cáo cũ kỹ, nhếch nhác.

Ứng dụng công nghệ, giải quyết các vấn đề phát sinh trong công việc hàng ngày cũng được Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện bằng công trình: “Smart port thời kỳ mới: Giải pháp số hóa tích hợp trong quản lý và vận hành cảng biển”. Theo đại diện tổng công ty, ngành khai thác cảng và logistics ngày càng cạnh tranh, với nhiều thách thức về áp lực giảm tải chi phí và tối ưu hóa vận hành. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và chuỗi cung ứng toàn cầu, đi kèm với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về thời gian giao hàng, nên việc ứng dụng đa dạng công nghệ thông tin tiên tiến như AI, điện toán đám mây, blockchain đã tạo ra điểm sáng nổi bật trong phương thức quản lý và vận hành cảng.

Để hiện thực hóa chiến lược xây dựng mô hình “Cảng thông minh - Logistics xanh”, trong giai đoạn 2020-2024, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã triển khai một loạt sáng kiến công nghệ, bao gồm hệ sinh thái e-SNP với ePort, eDO, Auto-gate, chatbot AI giúp tối ưu hóa quy trình giao nhận, rút ngắn thời gian xử lý chứng từ và giao dịch; Ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 cung cấp trải nghiệm tham quan cảng trực tuyến; trợ lý ảo Pi hỗ trợ khách hàng tự động 24/7 với hơn 4.500 câu hỏi và kịch bản; Hệ thống quản lý kho điện tử eWMS; Tự động hóa quy trình vận hành cảng thông qua cổng tự động với các tính năng nhận diện tài xế và biển số xe để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục ra vào cổng cảng. Những giải pháp này không chỉ giúp đơn vị nâng cao năng suất khai thác mà còn giảm tải áp lực vận hành, đồng thời cải thiện đáng kể trải nghiệm khách hàng.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 4 nhận được 292 đề án, công trình, giải pháp, đề tài đăng ký tham gia thuộc 7 lĩnh vực. Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp thành phố đã họp và cho ý kiến xét chọn đối với 52 công trình để trình UBND thành phố trao giải. Cụ thể:

- Lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế) có 9 giải pháp.

- Lĩnh vực 2 (quốc phòng, an ninh) có 6 giải pháp.

- Lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước) có 7 giải pháp.

- Lĩnh vực 4 (truyền thông) có 6 giải pháp.

- Lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật) có 9 tác phẩm.

- Lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật) có 9 đề tài.

- Lĩnh vực 7 (khởi nghiệp sáng tạo) có 6 giải pháp.

Tin cùng chuyên mục