
Cảnh quan trị liệu
Trong lần chờ đến lượt thăm khám tại Phòng khám ung bướu, thấy cây đàn ngay tại sảnh Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), anh Nguyễn Hoài Ân (48 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) đã đàn bản giao hưởng của Beethoven - nhà soạn nhạc cổ điển lừng danh thế giới cho mọi người thư giãn. Giai điệu vang lên “xóa tan” bầu không khí nặng nề tại đây. Anh Hoài Ân cho biết, khuôn viên bệnh viện rộng rãi, nhiều cây xanh; bên trong bố trí hài hòa, nhiều dịch vụ… tạo cảm giác nhẹ nhàng cho người bệnh khi đến thăm khám và điều trị. Đây là một trong số ít bệnh viện có cảnh quan, kiến trúc đẹp và hài hòa ở một thành phố lớn, đông dân như TPHCM.
Là tác giả công trình sáng tác kiến trúc “Cảnh quan Bệnh viện Quân y 175”, KTS Vũ Việt Anh, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế kiến trúc cảnh quan Thủy Anh, cho biết, sau khi trao đổi với ban giám đốc bệnh viện, anh đã định hướng bệnh viện hiện thực hóa ý tưởng “thành phố sức khỏe”, hướng đến việc chăm sóc bệnh nhân và nhân dân theo tiêu chí “y khoa bao hàm cả nghệ thuật, tạo ra sự hạnh phúc để thiên nhiên chữa lành bệnh tật”. Ý tưởng thiết kế của anh theo tiêu chí đô thị 3H (hồi phục, hài hòa và hiện đại).
Đại tá, TS-BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết, những năm qua, ngoài việc khám, điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện luôn quan tâm chú trọng xây dựng thành cơ sở y tế xanh sạch đẹp, thực hiện tốt các nội dung yêu cầu của bộ tiêu chí xanh - sạch - đẹp theo quyết định của Bộ Y tế ban hành. Một môi trường xanh sạch đẹp và thoải mái sẽ là nền tảng vững chắc cho sức khỏe và sự an tâm của người bệnh trong suốt quá trình điều trị, nơi mỗi người bệnh đều cảm nhận được sự yêu thương và trân trọng.
Theo KTS Vũ Việt Anh, không chỉ các y bác sĩ, nhân viên ở bệnh viện sẽ chữa trị cho bệnh nhân đến đây, mà không gian cảnh quan sẽ góp phần hồi phục tinh thần, thể chất cho người bệnh. Không gian cảnh quan Bệnh viện Quân y 175 được thiết kế đạt các tiêu chí nghệ thuật như: đổi mới sáng tạo trong phương pháp và hình thức thể hiện, sử dụng cách tiếp cận đa ngành kết hợp giữa kiến trúc cảnh quan, y tế và nghệ thuật để tạo nên không gian chữa lành. “Toàn bộ không gian sử dụng vật liệu bền vững và thân thiện môi trường, tích hợp yếu tố nước, tạo sự thư giãn và mang lại lợi ích tâm lý tích cực. Cùng với đó, cảnh quan trị liệu sử dụng các thủ pháp kết hợp giữa ngôn ngữ cảnh quan cứng và cảnh quan mềm để tạo lập không gian chữa lành cho bệnh nhân bằng thiên nhiên”, KTS Vũ Việt Anh thông tin.
Theo PGS-TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, từ một ê kíp ban đầu vào năm 2010, hiện bệnh viện có trên 10 ê kíp có thể tự tin thực hiện phẫu thuật cắt u bảo tồn thận với tỷ lệ bảo tồn thận gần 100%. Với những kết quả ấn tượng trên, Bệnh viện Bình Dân đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật thành công đến nhiều bệnh viện trong nước, tham gia báo cáo trao đổi kinh nghiệm và phẫu thuật thị phạm tại một số hội nghị quốc tế. Cùng với đó, bệnh viện tổ chức các khóa học phẫu thuật nội soi cắt thận với sự đăng ký của nhiều bác sĩ khu vực Đông Nam Á, góp phần khẳng định vị thế của ngành ngoại khoa Việt Nam trên trường quốc tế.
Không ngừng trăn trở vì người bệnh
Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 2.200 ca mắc mới ung thư thận, hơn 1.100 ca tử vong. Theo TS-BS Phạm Phú Phát, Trưởng khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), nhiều năm trước đây, người bệnh ung thư tế bào thận thường phải cắt bỏ hết thận, khi về già dễ có xu hướng suy thận, diễn tiến suy thận mạn phải lọc máu. Kết cục này làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh cũng như tạo gánh nặng về chi phí y tế. Tại Bệnh viện Bình Dân, mỗi năm có trên 500 trường hợp bị bướu thận đến khám và điều trị.
Trăn trở trước thực tế trên, TS-BS Phạm Phú Phát và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bình Dân đã tiến hành thực hiện các nghiên cứu khoa học nhằm thay đổi quan điểm cắt toàn bộ thận trong điều trị ung thư thận, làm sao để giữ lại tối đa chức năng thận người bệnh. Năm 2010, Bệnh viện Bình Dân bắt đầu triển khai phẫu thuật bảo tồn thận với những trường hợp bướu kích thước nhỏ và khu trú. Dựa trên các chẩn đoán hình ảnh hệ mạch máu đến bướu, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp kiểm soát chảy máu tốt nhất.
Không ngừng cập nhật tiến bộ của y học, các bác sĩ áp dụng mở rộng kỹ thuật trên với những bướu thận kích thước lớn hơn 4cm, kể cả lớn hơn 7cm được chứng minh còn khu trú. Trường hợp bướu thận ở vị trí phức tạp, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật robot nhờ lợi thế linh hoạt và tinh tế của cánh tay robot. Phẫu thuật robot cắt u bảo tồn thận giúp người bệnh trong nước được thụ hưởng chất lượng điều trị ngang tầm với các quốc gia tiên tiến. Đây cũng là thế mạnh của Bệnh viện Bình Dân - một trung tâm đào tạo phẫu thuật robot khu vực Đông Nam Á, thuận lợi giúp thúc đẩy phát triển du lịch y tế, thu hút kiều bào lựa chọn về Việt Nam điều trị và chăm sóc sức khỏe.
Là một trong số hàng trăm người bệnh được phẫu thuật bảo tồn thận tại Bệnh viện Bình Dân, chị P.T.A.T. (40 tuổi, ngụ TPHCM) ngạc nhiên vì có thể đi làm lại chỉ sau 2 tuần phẫu thuật, và sau 3 tháng, chị P.T.A.T. hồi phục hoàn toàn. Khác hẳn với lo sợ ban đầu, bướu thận đã được nội soi cắt bỏ qua đường mổ nhỏ bên thành bụng, chức năng thận được bảo tồn. “Tôi thực sự bất ngờ và vui mừng vì giảm thiểu được những nguy cơ lâu dài như suy thận mạn, ảnh hưởng đến chất lượng sống”, chị P.T.A.T. nói. “Không chỉ mang lại lợi ích y học, giải pháp này giúp người bệnh ung thư sớm hồi phục và trở về cuộc sống bình thường, giảm số lượng người bệnh suy thận phải lọc máu, giúp giảm gánh nặng kinh tế, thúc đẩy sự phát triển xã hội”, TS-BS Phạm Phú Phát chia sẻ.
Đồng chí - dấu ấn đẹp của dòng kịch cách mạng
Sau hơn 1 năm ra mắt, vở kịch cách mạng Đồng chí, do Hội Sân khấu TPHCM thực hiện (tác giả kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) đã ghi đậm dấu ấn, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Câu chuyện kịch kể về những người lính bộ đội Cụ Hồ trẻ tuổi và tràn đầy nhiệt huyết là Trung, Tâm, Lâm, Cường, Chín… đã cùng nhau tham gia cách mạng, cùng chiến đấu trong một đơn vị. Khi hòa bình, những đồng chí, đồng đội ấy vẫn giữ mối liên lạc để thi thoảng họp mặt, cùng ôn lại kỷ niệm, hồi ức đẹp về một thời binh nghiệp hào hùng. Những tưởng đã có thể sống cuộc sống yên bình, nhưng những cựu binh năm xưa lại phải đối mặt với “cuộc chiến thời bình” không kém phần gai góc và đau đớn.
Tác phẩm Đồng chí được NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng công phu, chăm chút kỹ lưỡng từng cảnh diễn, tạo nên những cao trào chính kịch đắt giá thông qua khai thác chiều sâu tâm lý của mỗi nhân vật. Đặc biệt, cách dàn dựng đan xen giữa hiện thực và hồi ức, gắn với những màn hành động và diễn biến tâm lý nhân vật nhiều kịch tính, đã trao cho người xem sự cuốn hút, cung bậc cảm xúc lắng đọng, thi vị. Tất cả góp phần tạo nên sức hấp dẫn, thấm đẫm tình người, tình đồng đội, đồng chí, tính nhân sinh. Với bề dày kinh nghiệm trong nghề, NSND Trần Ngọc Giàu đã đẩy tâm lý nhân vật lên đỉnh điểm thông qua kỹ thuật biểu diễn và xử lý tinh tế trên nền mỹ thuật ước lệ.
Có thể nói, thông điệp lớn qua kịch bản Đồng chí của tác giả Lê Thu Hạnh được làm rõ và in đậm trong tâm trí khán giả. Đó là lớp lớp thế hệ hôm nay không bao giờ quên công ơn và xương máu của cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những giá trị cốt lõi ấy là nền tảng soi chiếu, đòi hỏi vận dụng linh hoạt để nó luôn tuôn chảy trong tâm khảm của người Việt. Kịch bản Đồng chí đã đoạt giải A Trại sáng tác kịch bản Hội Sân khấu TPHCM năm 2024, sau đó được dàn dựng và đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu TPHCM lần thứ 1 năm 2024. Đầu tháng 4 vừa qua, nhận lời mời của Hiệp hội Sân khấu Busan (Hàn Quốc), Hội Sân khấu TPHCM đã đưa vở diễn này sang biểu diễn và giao lưu với khán giả Hàn Quốc.