Thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong xây dựng Đảng: Đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng về cơ sở

Năm 2023, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chú trọng đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Có thể nói, việc mạnh dạn, quyết liệt chọn đổi mới phương thức lãnh đạo làm động lực phát triển đã và đang trở thành dòng chảy xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Sâu sát để gỡ vướng

Đầu tháng 1-2024, gói thầu XL10 của Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã được bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.

Toàn dự án phải giải tỏa hơn 3.200 hộ dân, trong đó có gần 200 hộ ở quận Gò Vấp và quận 12. Quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại quận 12, quận Gò Vấp gặp nhiều khó khăn do người dân chưa đồng thuận về mức giá bồi thường và một số hộ dân thuộc diện bồi thường 0 đồng. Ngày 13-6-2023, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra tiến độ dự án và chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ vướng mắc.

Ngay sau đó, Ban Cán sự đảng UBND TPHCM chỉ đạo UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện và Ban Quản lý dự án phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh thực hiện dự án, đảm bảo giải ngân vốn theo kế hoạch. Nhờ sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, quận 12 và quận Gò Vấp đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ cho 104 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng số tiền hơn 439 tỷ đồng; 75 hộ còn lại dự kiến được bồi thường, hỗ trợ sau khi quận 12 ban hành đơn giá bồi thường vào tháng 2-2024.

Đó là một giải pháp cụ thể được TPHCM tập trung thực hiện trong năm qua. Các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được phân công làm tổ trưởng 13 tổ công tác. Các tổ công tác đã thường xuyên giám sát, theo dõi, đến hiện trường kiểm tra, đôn đốc tiến độ ở các công trình, dự án trọng điểm của thành phố. Qua đó, các tổ đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh thi công các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như: đường Vành đai 3, Nút giao thông An Phú, mở rộng quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa…

655-5928.jpg
Công nhân thi công dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: NGÔ BÌNH

Xốc tay vào việc khó

Đường Vành đai 3 và nhiều dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn thành phố được triển khai, cùng nhiều công trình khác được tái khởi động, khánh thành phục vụ người dân là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của TPHCM trong năm qua. Trong đó, dự án đường Vành đai 3 dài 76km, đi qua 4 địa phương gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, là công trình giao thông lớn nhất phía Nam, được khởi công vào tháng 6-2023. Kết quả đến từ việc lãnh đạo TPHCM cùng các địa phương có dự án đi qua xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và đề ra các giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, huyện Hóc Môn đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án và tổ tuyên truyền, vận động; đồng thời đề xuất chủ trương vận động nguồn kinh phí xã hội hóa, hỗ trợ cho các trường hợp đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, huyện đã bàn giao mặt bằng đạt 100%, vượt tiến độ thành phố giao.

Tương tự, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các dự án trọng điểm và vụ việc tồn đọng; thành lập 12 tổ công tác giám sát, đôn đốc. Các tổ làm việc trực tiếp với xã, thị trấn, nắm chắc tiến độ các dự án, kịp thời báo cáo, đề xuất tháo gỡ khó khăn. Huyện ủy Bình Chánh cũng ban hành chỉ thị riêng về dự án đường Vành đai 3, thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên nghe báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án và chất vấn trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Là địa bàn có nhiều dự án lớn, trọng điểm gặp vướng mắc trong quá trình triển khai, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã rà soát và tập trung triển khai hiệu quả các dự án trọng tâm còn chậm thực hiện, kéo dài; phân công và phát huy vai trò của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy trong giám sát và tập trung kiến nghị UBND TPHCM, các sở, ngành giải quyết nhiều nội dung quan trọng để đẩy nhanh các dự án trọng điểm, như dự án Khu dân cư Vĩnh Lộc, dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, dự án Bãi chôn lấp rác Gò Cát...

Một ví dụ khác, vấn đề bồi thường tái định cư cho người dân thuộc dự án Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM kéo dài do gặp vướng mắc nhưng vượt tầm TPHCM. Giữa năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM, bổ sung khu tái định cư hơn 10ha cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đây là bước ngoặt quan trọng tháo gỡ vướng mắc cho dự án. Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, địa phương đã nhanh chóng phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM triển khai kết luận của Thủ tướng, tiến hành bồi thường hơn 500 tỷ đồng cho người dân trong năm 2023.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG: Ưu tiên xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược

Kể từ khi Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực, TPHCM đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai nghị quyết. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 trong năm 2024, TPHCM cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất cơ chế cho phép TPHCM vay vốn để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và mở rộng không gian sang các địa phương lân cận. Cùng với đó, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực thế mạnh như đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, công nghệ cao. TPHCM khẩn trương lựa chọn, ban hành danh mục các dự án đầu tư theo phương thức công - tư kết hợp (PPP) trong các lĩnh vực đã được cho phép, huy động tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư các hạ tầng. Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 sẽ góp phần quan trọng vào phát triển TPHCM trở thành một thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình và phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI: TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM

TPHCM xác định chủ đề năm 2024 là: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Đây sẽ là hai nhiệm vụ trọng tâm để triển khai quyết liệt trên toàn thành phố, nhằm đem lại những kết quả rõ nét. Nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 98 trong năm 2024 là rất nhiều, khối lượng công việc rất lớn, TPHCM xác định tập trung một số dự án lớn, công trình cụ thể để phối hợp triển khai. Thành phố sẽ triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững. TPHCM cũng sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành với tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”.

ANH PHƯƠNG ghi

Sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được thông qua, Thành ủy - HĐND - UBND TPHCM đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban ngành tham mưu xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch, các giải pháp thực hiện nghị quyết. Mục tiêu là đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, thu hút nguồn lực toàn xã hội để phát triển TPHCM.

Cùng tham gia vào nhiệm vụ tuyên truyền, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng hơn 300 bài viết về Nghị quyết 31 và Nghị quyết 98, bao gồm ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Báo cũng phối hợp Sở TT-TT TPHCM, Hội Nhà báo TPHCM tổ chức tọa đàm “Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15” và Hội thi “Thiết kế sản phẩm đồ họa thông tin tuyên truyền Nghị quyết 98/2023/QH15”. Các hoạt động này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, cán bộ hưu trí cùng các tầng lớp nhân dân trong và ngoài TPHCM, góp phần lan tỏa sâu rộng các nghị quyết.

Tin cùng chuyên mục