Thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong xây dựng Đảng: Dân vận chính quyền đi vào thực chất

Năm qua, công tác dân vận của Đảng bộ TPHCM đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố. Điểm nhấn của công tác dân vận là hướng mạnh về cơ sở, thực hiện dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào những việc cụ thể và bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn.

Dân thuận, việc gì cũng xong

TPHCM luôn nỗ lực để lắng nghe tiếng nói của nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Trong đó, công tác dân vận của TPHCM được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, chú trọng đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế biện pháp hành chính trong giải quyết vụ việc phát sinh. Nhờ vậy, công tác dân vận đã tạo sự đồng thuận cao trong dân, nhất là khi triển khai thực hiện các dự án.

Điển hình như trường hợp của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (phường Tân Phong, quận 7), là một trong 46 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa nối liền huyện Nhà Bè và quận 7. Mặc dù cửa hàng quần áo của bà Dung phải giải tỏa trắng, nhưng bà và gia đình đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Bà Dung chia sẻ, cán bộ địa phương đã nhiều lần giải thích cho người dân về chủ trương của Nhà nước, về chính sách bồi thường, hỗ trợ. Người dân thấy chính sách hợp lý, địa phương làm việc có tâm nên đồng thuận bàn giao mặt bằng. Người dân cũng hiểu là địa phương muốn phát triển, muốn cuộc sống của người dân tốt hơn nên mới xây cầu, mở đường.

Nhà của bà Võ Thanh Thủy (phường Thạnh Xuân, quận 12) thuộc diện giải tỏa trắng khi thực hiện dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (gói thầu XL10). Được chính quyền quận 12 vận động, giải thích, bà và gia đình đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện dự án. Bà Thủy bày tỏ, di dời nơi ở ai cũng buồn, nhưng chính quyền đã vận động, giải thích rõ mục đích thực hiện dự án để địa phương, TPHCM phát triển nên gia đình bằng lòng bàn giao mặt bằng. Bà hy vọng khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết vấn đề hạ tầng đô thị, giải quyết ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao đời sống người dân.

3a-5500.jpg
Lãnh đạo UBND quận 12 (TPHCM) trao giấy khen các hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: NGÔ BÌNH

Ông Lê Phùng Thuận, một trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất (quận 12), cho biết, gia đình ông có 2.400m2 đất nằm trong dự án nhưng do chính sách bồi thường chưa hợp lý nên gia đình chưa giao mặt bằng. Sau đó, chính quyền quận 12 và các cơ quan chức năng vận động và đề ra chính sách hợp lý hơn, ông Thuận đồng tình bàn giao mặt bằng và nhận lại 5 nền đất cùng số tiền bồi thường 8 tỷ đồng. “Sau hơn 20 năm chờ đợi, tôi thấy lãnh đạo quận 12 đã nỗ lực rất nhiều trong đeo bám, kiến nghị các chính sách có lợi cho dân. Khi dự án được khởi công, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại với nhiều khu tiện ích như công viên cây xanh, trường học”, ông Thuận chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết, các chính sách tái định cư, đơn giá về bồi thường thu hồi đất đối với các dự án triển khai cách đây hàng chục năm không còn phù hợp với hiện nay. Vì vậy, lãnh đạo quận kiên trì đeo bám, kiến nghị thành phố tháo gỡ từng chính sách cụ thể thay vì ban hành một quyết định mới về đền bù, tái định cư. Từ đó, người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng dự án này. Cuối tháng 12-2023, quận 12 đã khởi công dự án khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất sau 20 năm vướng mặt bằng.

Khơi dậy nguồn lực

Trước những khó khăn đan xen từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cùng với thực hiện chính quyền đô thị, nhiều kế hoạch của các địa phương không thể triển khai do vướng kinh phí. Tuy nhiên, quận 7 lại thành công với công tác nâng cấp, mở rộng hẻm từ nguồn vận động xã hội hóa. Theo Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái, để có thành quả đó, tất cả đều nhờ công tác dân vận. Khi người dân đồng thuận thì địa phương rốt ráo làm, tránh tình trạng khởi động rồi “đắp chiếu” để đó. Từ những công trình dân sinh trong khu dân cư đã lan tỏa đến các công trình mang tính chiến lược của địa phương. Điển hình là thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng 2 cây cầu Phước Long và Rạch Đỉa (nối liền quận 7 với huyện Nhà Bè) chỉ gói gọn trong vòng 4-6 tháng, không phát sinh bất cứ khiếu nại nào.

1a-6254.jpg
Hẻm 1248 đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Mỹ và Tân Phú, quận 7, TPHCM) được nâng cấp mở rộng lên 5-6m. Ảnh: MINH PHONG

Để tạo sự đồng thuận trong dân, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái cho biết, ngoài việc thuyết phục người dân, quận 7 và huyện Nhà Bè đã vận dụng các quy định có lợi nhất cho người dân, như đề xuất thành phố áp một mức giá bồi thường chung để không tạo tâm lý so sánh. Khi huyện Nhà Bè gặp khó về quỹ đất tái định cư, quận 7 chủ động đề xuất thành phố cho sử dụng quỹ đất tái định cư của quận để hỗ trợ. Hai địa phương cũng hỗ trợ tối đa khi người dân tháo dỡ vật kiến trúc, làm mới hệ thống nước, điện; hỗ trợ trong việc đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như giấy phép xây dựng nhà…

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những gương dân vận khéo ở cơ sở - những “cánh tay nối dài” của chính quyền trong công tác dân vận, đã góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ các dự án. Trong những gương này, có thể kể đến bà Nguyễn Thị Hường, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân). Bà đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phối hợp vận động 96/99 trường hợp đồng ý bàn giao mặt bằng thực hiện dự án Xây dựng Trường THCS Bình Trị Đông B và dự án mở rộng, nâng cấp đường Tên Lửa. Hay như ông Tô Văn Thanh, Bí thư chi bộ, Trưởng Khu phố 1 (phường An Lạc, quận Bình Tân), đã chủ động, tích cực phối hợp vận động 34/34 trường hợp bàn giao hơn 9.231m2 đất xây dựng Trường Tiểu học Đinh Công Tráng. Đặc biệt, ông Thanh đã vận động người thân bàn giao hơn 2.224m2 đất để thực hiện dự án này.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận Bình Tân, cho biết, cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của quận luôn lắng nghe ý kiến của người dân. Những ý kiến chính đáng của người dân được ghi nhận và báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo giải quyết. Nhờ đó, sự đồng thuận trong người dân được nâng cao. Bên cạnh đó, trong công tác dân vận đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động gia đình, người thân gương mẫu đi đầu trong bàn giao mặt bằng. Nhờ đó, không có trường hợp nào bị cưỡng chế, không tạo sự căng thẳng giữa chính quyền với người dân.

* Ông ĐỖ VĂN PHỚN, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương: Hình mẫu cho công tác dân vận cả nước

Năm 2023, công tác dân vận của TPHCM có sự đổi mới mạnh mẽ, phương thức hoạt động chú trọng sâu sát, gắn bó hơn với người dân, kết quả toàn diện, có chiều sâu. Nhiều mô hình, cách làm của TPHCM tiếp tục có sức lan tỏa trong phạm vi cả nước. Các phong trào thi đua dân vận khéo của TPHCM tạo ra nhiều dấu ấn. Trong đó, TPHCM được đánh giá là một trong những địa phương có sự đột phá về vận động người dân trong bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường Vành đai 3… Các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả công tác dân vận của TPHCM sẽ là những gợi ý quan trọng cho việc ban hành các chủ trương mới của Đảng và hướng dẫn chung cho công tác dân vận cả nước trong thời gian tới.

* Ông NGUYỄN HỮU HIỆP, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, TPHCM: Không “đồng phục” trong bồi thường

Lấy dân làm gốc, dựa vào dân và nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân là quan điểm xuyên suốt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. TP Thủ Đức không áp dụng phương án bồi thường “đồng phục” cho tất cả các trường hợp mà linh hoạt giải quyết dựa trên tính đặc thù của mỗi hộ dân. Mục tiêu hướng đến là giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các dự án. Thường trực Thành ủy TP Thủ Đức thường xuyên tổ chức các chuyến thăm đột xuất đến nhà người dân, trực tiếp xuống địa bàn khảo sát và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Đây là cách để kiểm tra mức độ sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với địa bàn mình quản lý; đồng thời phát huy các cách làm hay và kịp thời chấn chỉnh những cá nhân, tập thể lơ là công tác dân vận.

* Bà TRẦN THỊ HƯỜNG, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 3, TPHCM: Hướng về cơ sở

Từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Quận ủy quận 3 đã thực hiện mô hình “Mỗi tuần một khu phố”. Với mô hình này, hàng tuần các thành viên trong Ban Thường vụ Quận ủy trực tiếp đến từng khu phố để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và chỉ đạo giải quyết. Việc triển khai thực hiện mô hình “Mỗi tuần một khu phố” nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng về cơ sở. Nhờ sâu sát, gần dân, cấp ủy, chính quyền các cấp của quận có sự lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.

Tin cùng chuyên mục