Không nói đâu xa, nhìn sang nước Trung Quốc lân cận, một cường quốc lớn mạnh, nơi đó có các địa phương như Thượng Hải, Hồng Công, Ma Cau... đóng góp chủ yếu cho nền kinh tế quốc gia. Không thể phủ nhận về vai trò của vị trí địa lý, nhưng sự phát triển vượt bậc của các địa phương này là nhờ được trao cơ chế đặc thù theo hướng tự chủ trong quy hoạch đến thực hiện đầu tư công và quản lý nhà nước.
Nhìn xa hơn trên thế giới, các quốc gia đặt dưới thể chế liên bang thì các bang đều có mức độ chủ động nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội của bang mình. Trao quyền sẽ giúp thúc đẩy sáng tạo, năng động và tăng phần trách nhiệm hơn.
Với TPHCM, nơi đây từng là “Hòn ngọc Viễn Đông” - một trong những địa điểm có điều kiện phát triển kinh tế tốt nhất trong khu vực. Vai trò này của TPHCM hiện đã dần nhường lại cho các thành phố, quốc gia khác trong khu vực.
Kênh Bến Nghé - Tàu Hủ sau khi được chỉnh trang đã góp phần giải quyết tiêu thoát nước, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thực tế, vai trò của TPHCM chững lại và có dấu hiệu đi xuống so với các thành phố khác trong khu vực là bởi cơ chế quản lý thống nhất từ Trung ương áp xuống cho các địa phương. Tuy vậy, trong cả nước, TPHCM vẫn phát triển vượt trội hơn so với các địa phương khác nhờ những nền tảng sẵn có là đô thị lớn nhất do lịch sử và vị trí địa lý.
Sự phát triển vượt trội trong một cơ chế “cào bằng” lâu ngày đã và đang đe dọa đến tính năng động, sáng tạo của TPHCM. Quá trình di dân từ các địa phương khác về TPHCM đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề về giao thông, nhà ở, trường học, bệnh viện...
Đối mặt với thực trạng này, TPHCM đã phải nỗ lực hơn nữa để đầu tư hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học, viễn thông, dịch vụ tài chính, thương mại… để đáp ứng với áp lực tăng dân số, hình thành các thị trường giao dịch hàng hóa, tài chính…
Sự nỗ lực của TPHCM phải tăng thêm rất nhiều lần và tất nhiên, sự nỗ lực này không chỉ phục vụ riêng người dân TP mà là cho cả nước cùng thụ hưởng. Cường độ đầu tư, nhu cầu nguồn vốn, nhiệm vụ quản lý nhà nước của TPHCM cũng đặt ra phải gấp rất nhiều lần so với các địa phương khác.
TPHCM sẽ khó thực hiện nhanh hơn, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn; làm sao “đầu tàu” có thể làm nhanh, cường độ mạnh, khối lượng nhiều khi bị ràng buộc trong cơ chế chung? Cái gì cũng chờ Trung ương xem xét, thông qua thì “đầu tàu” sao có thể đi nhanh, làm nhanh, làm tốt, làm nhiều hơn được?
Thật sự cần lắm một cơ chế để TPHCM đi nhanh hơn, thực hiện tốt hơn sứ mệnh “thành phố vì cả nước, cả nước vì thành phố”