Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng Đông Nam bộ

Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã và đang tập trung phát triển sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) chất lượng, đủ sức chinh phục người tiêu dùng nội địa và vươn ra quốc tế.

Sản phẩm OCOP từ nhiều tỉnh thành được đưa vào các kênh phân phối
Sản phẩm OCOP từ nhiều tỉnh thành được đưa vào các kênh phân phối

Nhiều hoạt động kết nối cung - cầu

Tỉnh Đồng Nai hiện có 221 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận thuộc các lĩnh vực thực phẩm, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ… Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, năm 2023, để thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá, sở này đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức gian hàng chung cho 62 doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Đồng Nai tại nhiều hội nghị, chương trình kết nối, giới thiệu sản phẩm.

Tương tự, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 45 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 62 sản phẩm đạt 4 sao và 29 sản phẩm đạt 3 sao. Theo Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, hội chợ… được tổ chức liên tục trong năm qua đã giúp sản phẩm OCOP của tỉnh kết nối tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm còn xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Với TPHCM, do triển khai công nhận sản phẩm OCOP sau các địa phương, nên đến hết năm 2023 thành phố mới cấp chứng nhận cho 66 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Tuy nhiên, các ngành chức năng của TPHCM rất chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn, đồng thời liên kết các địa phương nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP.

Thông tin từ Sở Công thương TPHCM, năm 2023, đơn vị đã chủ trì phối hợp tổ chức 9 hội nghị kết nối cung - cầu, 12 buổi kết nối trực tiếp và nhiều sự kiện xúc tiến thương mại. Không chỉ vậy, thành phố thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP theo hướng xây dựng chuỗi cung ứng bền vững; các hệ thống phân phối còn chia sẻ thông tin thị hiếu người tiêu dùng, thói quen mua sắm, tư vấn sản phẩm, sản xuất theo nhu cầu… Qua đó, hàng ngàn sản phẩm OCOP đã được tiếp cận, chào hàng người tiêu dùng thành phố; nhiều hệ thống phân phối có khu vực riêng để trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Chẳng hạn, hệ thống siêu thị Coopmart của Saigon Co.op đã kết nối và đưa lên kệ siêu thị phục vụ người tiêu dùng TPHCM 70 sản phẩm OCOP như mật ong Xuân Nguyên, cà phê nông sản Meet More, bánh tráng Tây Ninh…

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc đều hành và sáng lập của Meet More, chia sẻ, trước đây Meet More vốn chỉ tập trung cho xuất khẩu nhưng hiện tại mục tiêu là mở rộng thị phần tại nội địa. Không tiết lộ chi tiết về doanh thu song ông Luận khẳng định, việc đưa sản phẩm vào các siêu thị như Co.opmart đang góp phần giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, qua đó tăng doanh thu rõ rệt.

Đẩy mạnh quảng bá

Trong kế hoạch, năm 2024, ngành công thương các tỉnh Đông Nam bộ cho biết sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm kết hợp với các sự kiện lễ hội, chương trình du lịch nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế. Điển hình, TPHCM đang tiếp tục thực hiện các chương trình kết nối với nhiều địa phương trên cả nước. Với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, trong năm 2024, TPHCM dự kiến sẽ tổ chức Tuần lễ triển lãm sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên; Tuần lễ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền và công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản năm 2024 và Hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM với các tỉnh, thành.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả kết nối, tăng lưu thông hàng hóa giữa TPHCM và các địa phương, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, năm 2024, chương trình kết nối cung - cầu sẽ được triển khai đồng bộ, xuyên suốt thông qua 3 nhóm nội dung: kết nối cung cầu trực tuyến; hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh (trực tiếp); kết nối theo mùa vụ, chuyên đề, kế hoạch tại TPHCM và các địa phương. Tuy nhiên, để kết nối hiệu quả, các doanh nghiệp phân phối cần chủ động thông tin lên website các nhu cầu về nguồn hàng, chủng loại hàng hóa để nhà cung cấp tiềm năng tìm hiểu, kết nối.

Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cũng cho biết sẽ cùng với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức nhiều chương trình đồng hành, tư vấn hỗ trợ, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường cho doanh nghiệp, cơ sở đạt chuẩn OCOP ở các địa phương. Trong đó có các hoạt động như: phiên chợ xanh tử tế, khởi nghiệp xanh, các hội chợ truyền thống về nông sản, đặc sản địa phương…

Riêng các nhà cung cấp như Saigon Co.op cũng khẳng định sẽ ưu tiên kết nối các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vào tiêu thụ trong hệ thống; hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP thực hiện quy chuẩn của hệ thống, đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng trong nước và từng bước vươn ra quốc tế.

Tin cùng chuyên mục