Tạo niềm tin với người tiêu dùng
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, cuộc vận động đã góp phần không nhỏ trong việc khích lệ, động viên DN cả nước đổi mới công nghệ và cách thức quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, đến nay hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ có mặt ở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, Lotte Mart, mà còn xuất hiện tại nhiều cửa hàng bán lẻ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa với chủng loại phong phú, đa dạng. Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 80% tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… và trở thành kênh hàng hóa chủ đạo trong tiêu dùng, mua bán, sinh hoạt hàng ngày của người dân. Cụ thể, sản phẩm của các DN như Vinamilk, TH True Milk, Vissan, Ba Huân, Trung Nguyên, Đại Đồng Tiến, Biti’s,… đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt và từng bước vươn tầm ra thế giới.
Chị Ngô Ánh Tuyết (ngụ TPHCM) chia sẻ rằng, hầu hết sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày của gia đình chị từ quần áo, giày dép, hóa mỹ phẩm, thực phẩm… tới hàng gia dụng thiết yếu đều là sản phẩm nội địa. “Trước đây, tôi cho rằng sản phẩm ngoại nhập như bánh kẹo, hàng thời trang là tốt nhất, nhưng tới nay các sản phẩm nội địa của những thương hiệu như quần áo Việt Tiến, bánh kẹo Bibica, giày dép Biti’s… đã chinh phục được gia đình tôi nhờ mẫu mã đa dạng và chất lượng cải thiện rất nhiều”, chị Tuyết nhận xét. Cũng như chị Tuyết, rất nhiều người tiêu dùng ở khu vực ĐBSCL thời gian qua đã lựa chọn và tin tưởng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Nhiều người cho rằng, sản phẩm hàng Việt ngày nay không chỉ phong phú về kiểu dáng, mẫu mã mà cách DN tiếp cận người tiêu dùng cũng rất đa dạng. Bởi lẽ người tiêu dùng ở nông thôn giờ đây không chỉ mua hàng ở siêu thị, chợ truyền thống mà còn liên tục được tiếp cận hàng Việt qua các hội chợ và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Cần tạo lập chuỗi cung - cầu
Dù đạt được những kết quả tích cực song theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua ký kết loạt hiệp định thương mại tự do (WTO) thế hệ mới đã mở cửa cho hàng ngoại thâm nhập thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Theo đó, sản phẩm ngoại từ thời trang, giày dép, thực phẩm, hàng gia dụng… từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu… đã liên tục đổ bộ thị trường nội địa với thuế nhập khẩu thấp, tạo áp lực cạnh tranh ngày càng lớn cho DN Việt. Thêm vào đó, việc xuất khẩu hàng Việt đi nước ngoài cũng gặp nhiều thách thức bởi kinh tế, chính trị thế giới xuất hiện nhiều biến động.
Chính vì thế, Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho rằng, một trong những giải pháp cơ bản phát triển thị trường trong nước thời gian tới là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung - cầu. Cụ thể là kết nối DN sản xuất với DN phân phối để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng. “Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ của DN, giúp phục hồi kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng như dự báo, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động trong tình hình mới”, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhấn mạnh.
Trên thực tế, việc tạo lập chuỗi kết nối cung- cầu thời gian qua đã được nhiều địa phương, điển hình là TPHCM thực hiện rất hiệu quả. Theo đó, đều đặn từ năm 2012 tới nay, TPHCM đã tổ chức hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành trên cả nước. Thông qua hoạt động kết nối này, rất nhiều sản phẩm của DN, HTX địa phương đã được tiêu thụ tại kênh phân phối của Saigon Co.op, Satra, các chợ đầu mối tại TPHCM. Nối tiếp thành công này, Sở Công thương TPHCM cho biết sẽ tiếp tục phối hợp Sở Công thương, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu; kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phương thức truyền thống để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động. Đặc biệt sẽ duy trì và củng cố kênh phân phối truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… thúc đẩy khai thác phân phối trực tuyến trên website, sàn thương mại điện tử.