Hướng đến tiêu dùng xanh
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), dịch Covid-19 dù gây những tác động lớn tới đời sống kinh tế - xã hội nhưng một mặt cũng mang lại hiệu ứng tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng (NTD) về vấn đề tiêu dùng bền vững. Dẫn khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp thuộc IBM, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, có 90% người được khảo sát trả lời rằng, Covid-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững. Mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng thay đổi rõ rệt khi 55% NTD cho biết, tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu. 62% NTD sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Theo đó, chiến dịch Tiêu dùng xanh được Báo Sài Gòn Giải Phóng và Co.opmart phối hợp thực hiện nhiều năm qua đã cho thấy, sức mua tăng vọt với những sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với môi trường sống, được nhận diện bằng biểu tượng khác biệt giúp NTD dễ nhận biết khi tham gia mua sắm. Cụ thể, trong tháng thực hiện chiến dịch Tiêu dùng xanh 2020, lượt khách trung bình của hệ thống Co.opmart tăng hơn 30% so với tháng trước đó, chủ yếu tập trung vào cuối tuần và các ngày có khuyến mãi giảm giá mạnh. Doanh số cũng tăng gần 20% so với Tiêu dùng xanh năm trước. Các nhãn hàng trà túi lọc, nước tẩy, nước ngọt, dầu gội của các thương hiệu thực hiện tốt chiến dịch môi trường điển hình như Ariel, Cosy, Lifebuoy, Lipton, Pantene, Pepsi, Sprite, Yomost nhờ được NTD ủng hộ nên doanh số bán ra tăng từ 10%-20%...
Nâng cao nhận thức
Không chỉ nhận thức tiêu dùng xanh thay đổi mà các doanh nghiệp cũng có sự chủ động rõ ràng trong nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Điển hình Saigon Co.op đã mạnh tay loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa khỏi quầy kệ kinh doanh tự chọn của các siêu thị, đồng thời loại bỏ loại ống hút nhựa đính kèm cùng các sản phẩm hàng nhãn riêng và yêu cầu các gian hàng thuê mặt bằng trong khu tự doanh hạn chế tối đa sử dụng ống hút nhựa. Liền sau đó tác động trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất, buộc họ phải thay đổi và chỉ sản xuất các loại ống hút thân thiện với môi trường như ống hút giấy, tre, inox, bột gạo…
Những ví dụ nêu trên cho thấy, xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm cho đến NTD. Không những vậy, NTD còn có động thái quay lưng, tẩy chay sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi doanh nghiệp bị người dân tố cáo hoặc các cơ quan chức năng công bố.
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Chẳng hạn, đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5%-11,4%. Đồng thời doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.
Trong giai đoạn tới, doanh nghiệp có thể phát triển theo hướng bền vững hơn, hướng tới các giá trị cộng đồng nhiều hơn. Để làm được điều đó, theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, phân phối cần: sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong kênh phân phối; cho phép NTD chủ động không dùng sản phẩm nhựa khi mua hàng từ xa; tạo cơ chế để NTD mua hàng một cách bền vững thông qua cơ chế “làm đầy” (refill) - cho phép NTD mang chai, lọ đã sử dụng đến để đựng sản phẩm. Hoạt động này nhằm giảm lượng bao bì nhựa sử dụng một lần hoặc sản phẩm khó phân hủy, bao gồm các sản phẩm gia dụng thường gặp trong nhà, dành cho người lớn và trẻ em, hoặc khi mang đi; không gói hàng quá kỹ, quá nhiều gây lãng phí nguyên vật liệu; cân nhắc việc thay thế quy trình sản xuất sử dụng năng lượng tự nhiên sang năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…