Sẽ lắp đặt tại 2.619 tòa nhà công sở
Theo báo cáo mới nhất của Sở Công thương TPHCM, sau khi phối hợp Tổng Công ty Điện lực thành phố, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) khảo sát về diện tích mái nhà và công suất lắp đặt, sở ước tính có 2.619 tòa nhà từ các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).
Tính toán sơ bộ, tiềm năng ĐMTMN từ các cơ sở này có tổng công suất khoảng 166.357kWp. Cụ thể, tòa nhà trực thuộc các sở, ban, ngành có tổng diện tích lắp đặt 76.418m² , công suất khoảng 10.316kWp; tòa nhà các trường học, trung tâm đào tạo có tổng diện tích lắp đặt 796.617m², công suất khoảng 103.898kWp; tòa nhà các bệnh viện, trung tâm y tế có tổng diện tích lắp đặt khoảng 201.875m² , công suất 27.253kWp; nhà hát, nhà thi đấu thể thao, trung tâm văn hóa có tổng diện tích lắp đặt 40.374m² , công suất 5.450kWp… Sau khi đưa vào sử dụng hệ thống ĐMTMN tại các trụ sở trên, có thể giảm phát thải khoảng 500 tấn CO2 /năm.
Tính toán của các cơ quan chức năng cho thấy, chi phí đầu tư hệ thống ĐMTMN bình quân hiện nay khoảng 12-20 triệu đồng/kWp; trung bình hệ thống ĐMTMN công suất 1kWp tại TPHCM cho ra sản lượng điện khoảng 3-4,5kWh/ngày; thời gian thu hồi vốn khoảng 5-7 năm; tuổi thọ tấm pin khoảng 25 năm. Như vậy, với thời gian thu hồi vốn và đối chiếu với tuổi thọ hệ thống pin thì việc đầu tư hệ thống ĐMTMN đảm bảo hiệu quả đầu tư. Với tổng công suất 166.357kWp thì chi phí đầu tư lắp đặt khoảng 2.500 tỷ đồng.
Dự kiến, ngân sách thành phố bố trí để lắp đặt ĐMTMN tại trụ sở cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị xã hội thuộc thành phố quản lý là 430 tỷ đồng; đối với trụ sở đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công như trường học, bệnh viện, bãi đậu xe… thì thành phố khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Trong giai đoạn 2023-2028, thành phố phấn đấu lắp đặt 50% các tòa nhà công sở, tương ứng công suất khoảng 84.000kWp và tổng chi phí lắp đặt khoảng 1.250 tỷ đồng. Sau năm 2028, thành phố sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá để tiếp tục triển khai các kế hoạch tiếp theo.
Hệ thống điện mặt trời ở trụ sở UBND quận 8, TPHCM |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, đến thời điểm này sở đã xây dựng dự thảo các tiêu chí xác định trụ sở đủ điều kiện lắp đặt ĐMTMN; đồng thời đến các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện để xin ý kiến đóng góp. Sau khi tổng hợp các ý kiến, sở sẽ trình UBND TPHCM. Bộ tiêu chí bao gồm: mái nhà hoặc kết cấu công trình xây dựng được gắn các tấm pin năng lượng mặt trời phải chịu được tải trọng và kết cấu của các tấm pin; việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN phải tính toán cho mục đích sử dụng tại chỗ, công suất lắp đặt không được vượt quá 1MW.
Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN không làm ảnh hưởng đến công năng của tòa nhà, cảnh quan môi trường, không vi phạm các quy định về bảo tồn kiến trúc; đảm bảo quy định về an toàn điện, an toàn xây dựng và phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
Lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM, cho biết, sau khi Sở Công thương gửi bộ tiêu chí điều kiện lắp đặt ĐMTMN đến các đơn vị lấy ý kiến, công ty phối hợp để tổng hợp danh sách các tòa nhà đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Khi đã có danh sách cụ thể được phê duyệt, công ty đồng hành hỗ trợ các chủ đầu tư (quản lý các tòa nhà) tư vấn về mặt kỹ thuật lắp đặt, hệ thống vận hành hệ thống điện mặt trời cho phù hợp với đặc điểm tình hình của từng mái nhà, đảm bảo các tiêu chí đã đặt ra.
Mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo về Đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống ĐMTMN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã giao Sở Công thương tiếp tục hoàn thiện Đề án đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn thành phố.
Theo đó, về phương án đầu tư đối với trụ sở cơ quan hành chính, thành phố yêu cầu cần nghiên cứu phương án đầu tư tập trung bằng nguồn vốn đầu tư công. Đối với trụ sở đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công cần thực hiện theo phương án đầu tư phân tán; UBND TPHCM khuyến khích các cơ quan, đơn vị đầu tư hệ thống ĐMTMN tại trụ sở bằng nhiều hình thức đầu tư, đa dạng về nguồn vốn triển khai, như vốn sự nghiệp hàng năm của các cơ quan, đơn vị; vốn nhà nước ngoài đầu tư công; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước; vốn xã hội hóa…
Ngoài ra, đồng chí Võ Văn Hoan cũng giao Sở Công thương TPHCM, Tổng Công ty Điện lực TPHCM tiếp tục làm việc, kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế mua bán sản lượng điện không sử dụng hết từ hệ thống ĐMTMN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khuyến khích đầu tư ĐMTMN trên địa bàn thành phố. Riêng Sở Công thương cần có thêm phân tích, đánh giá giải pháp công nghệ, chi phí phần xử lý rác thải tấm pin năng lượng mặt trời hết sử dụng, sau khi thanh lý.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, sau khi nhận được công văn của Sở Công thương TPHCM về góp ý Đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống ĐMTMN, sở đã đề nghị Tổng Công ty Điện lực TPHCM phối hợp rà soát, thống kê và đề xuất danh sách các trụ sở đủ điều kiện lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại trụ sở cơ quan và các đơn vị thuộc Sở TN-MT. Các trụ sở thuộc Sở TN-MT bao gồm, trụ sở cơ quan Sở TN-MT; Trung tâm Phát triển quỹ đất; Trung tâm Đo đạc bản đồ; Ban Quản lý Khu liên hợp xử lý chất thải thành phố; Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố; Trung tâm Kiểm định bản đồ thành phố và Chi cục Bảo vệ môi trường.