Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Money) được cấp phép thử nghiệm trong năm 2019, Việt Nam sẽ là nước thứ 91 trên thế giới cung cấp dịch vụ này.
Dù đi sau thế giới, nhưng thuận lợi của Việt Nam là có thể học hỏi được từ những nước đi trước. Với một khung pháp lý đã hình thành và được tổng kết thường xuyên từ cả những tổ chức quốc tế lớn như GSMA. Vì vậy, không có lý do gì Việt Nam không thể triển khai nhanh dịch vụ này ngay trong năm 2019.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói về một trong những cái quan trọng nhất để thúc đẩy những thứ đó phát triển là nền tảng thanh toán. Muốn một dịch vụ nào phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên, nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào thực hiện việc này tốt hơn Mobile Money.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động đã trên 100% từ nhiều năm nay.
“Tại Việt Nam, 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Câu chuyện ở đây là, công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chúng ta phải thay đổi, dám thay đổi, dám chấp nhận các mô hình mới”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong hệ thống tài chính ngân hàng hiện nay, nhiều người dân bị gạt ra ngoài, nhất là những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Mobile Money sẽ là giải pháp để đưa họ tiếp cận tới các dịch vụ (có trả phí) mang tính đổi đời trên nền tảng internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội… Với hạ tầng và dịch vụ di động rộng khắp, Mobile Money sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa.