Khung pháp luật về quyền TCTT của báo chí ở Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng theo tư duy chính phủ mở, theo đó, mọi thông tin đều là tài sản của nhân dân, cần được công khai tối đa để phục vụ nhu cầu phát triển xã hội, ngoại trừ một số ngoại lệ, gồm bí mật nhà nước và các bí mật khác. Điển hình của tư duy chính phủ mở là Luật TCTT 2016. Cùng với đó là ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp cũng được nâng cao trong việc thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Tuy vậy, việc thực hiện quyền TCTT của báo chí vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cản trở, chủ yếu là do việc hiểu và thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật liên quan. Đáng chú ý, là cả hai phía (các nhà báo và đại diện các cơ quan nhà nước các cấp) đều có những biểu hiện chưa hiểu đúng, và do đó chưa thực hiện đúng các quy định liên quan đến phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Thứ nhất, đó là việc xác định chưa đúng người có thẩm quyền/trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong mỗi cơ quan nhà nước, làm cho việc TCTT của nhà báo bị chậm trễ, vướng mắc.
Theo Nghị định 09 về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước không trực tiếp thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, mà lại giao/ủy quyền cho người khác không đúng quy định.
Về quy định ủy quyền thực hiện nhiệm vụ phát ngôn, cũng có những cách hiểu và thực hiện chưa đúng. Trong các cơ quan cấp bộ, cấp tổng cục, UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan nhà nước có thể ủy quyền cho cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp thực hiện việc phát ngôn. Nhưng đối với các cơ quan cấp cục, các sở, UBND cấp huyện và cấp xã, nếu người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước không thể thực hiện phát ngôn thì chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó, mà không được ủy quyền cho cấp dưới. Thực tế là có rất nhiều trường hợp, cán bộ cấp dưới lại được ủy quyền phát ngôn.
Luật quy định: Việc ủy quyền phát ngôn được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định. Khi thực hiện ủy quyền thì họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ email của người được ủy quyền phát ngôn, văn bản ủy quyền phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước hoặc niêm yết tại trụ sở (đối với UBND cấp xã chưa có trang thông tin điện tử) trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ký văn bản ủy quyền. Nhưng các thủ tục này nhiều khi không được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc, khiến nhà báo khi cần TCTT không xác định được ai là người có trách nhiệm/thẩm quyền phát ngôn.
Thứ hai, quyền TCTT nhanh/đột xuất của nhà báo chưa được nhận thức và thực hiện đúng. Nghị định 09 quy định: Người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất, bất thường khi xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội, hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước, hoặc khi báo đài phản ánh vấn đề của cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước cần chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 24 giờ, kể từ khi vụ việc xảy ra.
Đây là những trường hợp dư luận rất quan tâm, có nhu cầu thông tin đột xuất và báo chí cần có thông tin chính thức ngay để đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng, kịp thời định hướng dư luận. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều trường hợp khi phải phát ngôn đột xuất, cơ quan nhà nước lại lúng túng, chậm chạp trong việc thực hiện trách nhiệm phát ngôn đột xuất và cung cấp thông tin cho báo chí.
Ngoài các trường hợp phát ngôn đột xuất nói trên, trong bất cứ trường hợp nào, các nhà báo vẫn có thể TCTT nhanh từ cơ quan nhà nước theo quy định của Luật TCTT. Sau khi điền vào phiếu yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định của Luật TCTT, các nhà báo đều có thể được xem, đọc, sao chụp tài liệu do cơ quan nhà nước nắm giữ. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nhà báo chưa biết sử dụng quyền TCTT quan trọng này trong Luật TCTT.
Thứ ba, chưa nhận thức được những thông tin, tài liệu thuộc danh mục công khai mà nhà báo có quyền tiếp cận. Theo Điều 17 của Luật TCTT, có ít nhất 45 loại thông tin, tài liệu thuộc diện phải công khai mà tất cả cơ quan nhà nước đều phải chủ động công khai kịp thời cho dân biết. Luật TCTT có hiệu lực đã gần 4 năm, nhưng trên thực tế, hầu hết các cơ quan nhà nước chưa chủ động công khai kịp thời và đầy đủ tất cả các thông tin, tài liệu thuộc diện phải công khai theo quy định tại Điều 17. Các nhà báo đều có thể tiếp cận nhanh tất cả các loại thông tin, tài liệu đó theo quy trình của Luật TCTT. Nhưng trên thực tế, nhiều nhà báo không biết có danh mục các loại thông tin, tài liệu thuộc diện phải công khai này.
Thứ tư, các nhà báo cần sử dụng hiệu quả các hình thức TCTT. Nhà báo có 6 hình thức TCTT, trong đó có 3 hình thức phổ biến nhất là thông qua cổng thông tin điện tử; gửi các câu hỏi để người phát ngôn trả lời bằng văn bản và TCTT theo quy trình của Luật TCTT. Cổng thông tin điện tử của nhiều cơ quan nhà nước hiện cập nhật thông tin tương đối chậm và chưa đầy đủ những thông tin cần phải công khai. Nhiều nhà báo chưa sử dụng quyền TCTT nhanh theo Luật TCTT, nên việc TCTT tốn nhiều thời gian.
Để tăng cường quyền TCTT của báo chí, cần nâng cao chất lượng khung pháp luật theo hướng mở rộng tối đa và quy định rõ ràng hơn những thông tin mà cơ quan nhà nước cần phải công khai, minh bạch, thu hẹp những thông tin ngoại lệ thuộc các loại bí mật và nhạy cảm. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần hiểu đúng các quy định của luật pháp về quyền TCTT của báo chí, thực hiện đầy đủ và kịp thời trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Về phía các nhà báo, cũng luôn hiểu rõ ràng và đầy đủ các quyền của mình, chủ động thúc đẩy thực hiện quyền TCTT của mình.