Với mục tiêu đưa ngành công nghiệp sáng tạo của Thái Lan lên tầm cao mới và đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP, Cơ quan Kinh tế sáng tạo Thái Lan (CEA) vừa công bố tầm nhìn và chiến lược mới nhằm nâng cao vai trò của cơ quan này trong việc thúc đẩy “quyền lực mềm”.
Theo Giám đốc điều hành CEA, Tiến sĩ Chakrit Pichyangkul, cơ quan này đã thiết kế 3 quy trình hoạt động để tăng cường nền kinh tế sáng tạo. Đầu tiên là trao quyền cho các tài sản văn hóa và các thành phố sáng tạo bằng cách khai thác bản sắc thể hiện tốt nhất năng lực của đất nước và sau đó thúc đẩy nó thông qua việc quảng bá thành phố sáng tạo.
Cùng lúc, CEA sẽ phát huy lợi thế của 5 thành phố được Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO công nhận, đó là Bangkok (Thành phố sáng tạo về Thiết kế), Phuket và Phetchaburi (Thành phố sáng tạo về Ẩm thực), Chiang Mai và Sukhothai (Thành phố sáng tạo Thủ công và nghệ thuật dân gian). Ngoài các thành phố sáng tạo, CEA sẽ quảng bá 33 khu vực sáng tạo tại 33 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Quy trình thứ hai là xây dựng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sáng tạo bằng cách nâng cao năng lực của các doanh nhân và kỹ năng của những người sáng tạo. Về mặt này, CEA sẽ hợp tác chặt chẽ với các doanh nhân và coi trọng việc áp dụng sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền của các tác phẩm sáng tạo.
Ngoài ra, CEA đang nghiên cứu các loại nguồn tài trợ phù hợp với ngành công nghiệp sáng tạo của Thái Lan cũng như cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn.
Cuối cùng, CEA sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp nội dung, bao gồm phim và phát thanh truyền hình. Cơ quan cũng sẽ tham gia cùng các công ty lớn có hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu trong việc phát triển sản phẩm.
Ông Chakrit cho biết thêm, Hallyu của Hàn Quốc là một hình mẫu nhưng văn hóa Thái Lan khác với Hàn Quốc nên sẽ có cách phát huy những điểm mạnh của văn hóa nước này khác với Hallyu. CEA kỳ vọng chiến lược mới sẽ giúp “thắp sáng” bản sắc Thái Lan trên toàn cầu.