Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Tuần qua, tại hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản cho đồng bằng sông Cửu Long và vùng phụ cận” có một đề tài đáng chú ý của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu hải sản. 

Nghiên cứu này cho thấy, hầu hết nguồn phế phụ phẩm sau khi chế biến thủy hải sản chưa được tận dụng để chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng khác như bột cá, mỡ cá, collagen, gelatin từ da cá, phân sinh học từ ruột cá... Nhiều nơi còn vứt chúng đi như… rác.

Không phải đến nay mới có những nghiên cứu mang tính cảnh báo như vậy. Việc tận dụng, tái chế, tái sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên nói chung ở rất nhiều lĩnh vực đều chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Bộ NN-PTNT, ước tính tổng lượng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp đạt gần 160 triệu tấn, trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch và chế biến của ngành trồng trọt; 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ chăn nuôi; 6 triệu tấn từ lâm nghiệp và gần 1 triệu tấn từ thủy sản. Thế nhưng chỉ hơn 20% chất thải từ ngành chăn nuôi được ủ làm biogas và xử lý thành phân hữu cơ. Trong khi đó, nhiều sản phẩm chế biến từ các phụ phẩm này mang lại hiệu quả kinh tế không hề nhỏ. Cũng theo Bộ NN-PTNT, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm khoảng 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng công nghệ cao có thể thu về 4-5 tỷ USD.

Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong 20 nước có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Theo Bộ TN-MT, trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ khoảng 10% trong số này được tái chế. Trong khi theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nếu 30%-50% lượng rác thải này được tái chế, doanh nghiệp nhựa sẽ bớt phải nhập khẩu nguyên liệu, giúp họ có thể tiết kiệm được khoảng 15% chi phí sản xuất, chưa kể môi trường nước, đất sẽ bớt bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa - thứ rác thải rất khó phân hủy. Ngay cả xà bần - điều làm nhiều nhà thầu xây dựng rất đau đầu tìm nơi đổ bỏ - nếu được tái chế đúng cách sẽ là vật liệu dùng để san lấp rất tốt bởi có kết cấu bền chặt, chắc chắn.

Còn rất nhiều thứ nữa nếu được tái chế, tái sử dụng đúng cách sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và tối ưu các nguồn tài nguyên. Một điều đáng mừng là thời gian gần đây, ý nghĩa tốt đẹp, hiệu quả to lớn của việc này đã và đang được nhiều cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ. Không ít người dùng áo, quần jeans cũ, thậm chí cả báo, tạp chí cũ để may thành túi đựng đồ thay cho túi ni lông. Không ít nông dân đã tận dụng rơm để trồng nấm và sau khi thu hoạch nấm, lượng rơm còn lại được ủ, xử lý thành phân bón cho cây. Một số doanh nghiệp trong Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã chủ động đầu tư cho hoạt động tái chế nhựa…

Trong công tác quản lý, ngày 7-6-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh theo hướng sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường.

Thế nhưng, tất cả mới chỉ là những hoạt động nhỏ, lẻ trong dân, trong doanh nghiệp, những chủ trương chung trong quản lý của Nhà nước. Trong khi đó, để thực hiện được kinh tế tuần hoàn cần phải có kiến thức, nguồn lực để thực thi. Đối với doanh nghiệp là xây dựng quy trình sản xuất tận dụng được tối đa các phụ phẩm, tìm tòi sản xuất sản phẩm mới từ phụ phẩm phù hợp với yêu cầu của khách hàng… Với người dân là thái độ ủng hộ đối với sản phẩm tái chế, tái sử dụng… Tất cả đều cần những chính sách rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan mà ngành chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện và triển khai trong thực tế.

Tin cùng chuyên mục