Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, nguồn nhân lực phục vụ cho việc điều tra, khảo sát tài nguyên sinh vật biển rất hạn chế. Vì vậy, việc thúc đẩy ngư dân tham gia mô hình khoa học công dân cho phép cộng đồng gắn kết với đại dương, hỗ trợ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu quy mô rộng với chi phí tiết kiệm hơn so với hình thức nghiên cứu khoa học truyền thống.
Tuy vậy, lực lượng tham gia chưa có nhiều kinh nghiệm, việc triển khai còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trang thiết bị phục vụ vẫn còn ít. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề xuất, có thể huy động nguồn lực từ các trường đại học, tổ chức phi chính phủ và ứng dụng công nghệ sử dụng trong quan trắc và quản lý tài nguyên biển.
* Cùng ngày, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết, đơn vị đang phối hợp UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) lựa chọn đối tác để triển khai thí điểm mô hình tàu cá thu gom rác thải rắn, nhựa trên biển. Đây là mô hình nằm trong gói hỗ trợ, thúc đẩy chung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Theo đó, ngành thủy sản Bình Định sẽ tổ chức lựa chọn 200 tàu cá, chủ yếu tàu cá thường xuyên ra vào khu vực cửa biển Quy Nhơn để thí điểm, sau đó nhân rộng ra toàn đội tàu cá xa bờ (gần 3.300 tàu) của tỉnh này. Các tàu cá sẽ được dự án cung cấp túi chứa rác kèm dụng cụ thu gom rác trên biển. Quá trình ra khơi đánh bắt hải sản, các ngư dân trên tàu cá sau khi sử dụng sẽ thu gom rác thải từ sinh hoạt cho vào túi đựng trên tàu, thay vì vứt thẳng xuống biển. Khi trở về cảng cá, rác thải sẽ được ngành chức năng đến tận tàu cá để thu mua với giá thị trường, sau đó phân loại đưa đến các cơ sở xử lý, tái chế.