Trong các hướng nghiên cứu chính về công nghệ in 3D, nghiên cứu sản xuất sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất. Kế tiếp là nghiên cứu tạo hình, định hình vật liệu ở trạng thái dẻo, sau đó là tạo hình các sản phẩm từ bột kim loại.
TS Hoàng Xuân Tùng, Khoa Công nghệ vật liệu Trường Đại học Bách khoa TPHCM, phân tích công nghệ này cho phép các nhà thiết kế tạo ra các mẫu thí nghiệm vật lý chính xác từ mô hình 3D CAD; các chi tiết có độ phức tạp cao với chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp gia công truyền thống. Công nghệ in 3D có thể ứng dụng vào tất cả ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống.
Cũng trong buổi báo cáo phân tích xu hướng công nghệ nói trên, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, đang nghiên cứu công nghệ in 3D sử dụng nhựa pha kim loại, chế tạo và thử nghiệm thành công nhiều dòng máy in 3D phổ thông phục vụ dạy và học.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, việc ứng dụng công nghệ in 3D ở Việt Nam mới ở dạng tìm năng; chủng loại máy in cung cấp trong nước chưa đa dạng, phần lớn phải nhập. Cùng với đó là áp lực cạnh tranh gia tăng trong tương lai khi các công ty nước ngoài với nhiều năm kinh nghiệm vào Việt Nam. Do vậy, cần thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D vào thực tế; nghiên cứu vật liệu phục vụ công nghệ in 3D trong ngành cơ khí, xây dựng, y - sinh học; phổ cập công nghệ 3D trong học đường; hỗ trợ doanh nghiệp đưa các ứng dụng công nghệ in 3D vào hoạt động sản xuất;…