Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu các trạm quan trắc, thiết bị đo và công khai dữ liệu là một trong những lý do khiến nhiều người chưa biết rõ về tình trạng ô nhiễm không khí xung quanh khu vực mình sinh sống. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quan trắc không khí để cung cấp đầy đủ và thường xuyên hơn các thông tin về chất lượng không khí cho người dân nắm bắt.
PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện MT-TN, cho biết, ngày 15-10 vừa qua, Viện MT-TN đã cho ra mắt ứng dụng theo dõi chất lượng không khí - Healthy Air. Ứng dụng được phát triển với sự phối hợp giữa nhiều đơn vị: Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Y Dược TPHCM; Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Trung tâm Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Ireland. Qua ứng dụng, mọi người có thể biết được mức độ ô nhiễm không khí xung quanh khu vực mình đang sinh sống và dự báo tương lai.
Khi được cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng không khí, nồng độ các chất gây ô nhiễm xung quanh khu vực mình sinh sống đang ở mức độ nào thông qua các phần mềm, thiết bị công nghệ thì mọi người sẽ có những thay đổi nhất định trong lối sống để thích nghi. Những thay đổi của con người cũng sẽ gián tiếp giảm tác động đến môi trường sống, từ đó góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy lối sống xanh.