Thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL

Sáng 6-9, tại TP Cần Thơ, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng và bàn giải pháp để phát triển các nhóm ngành có lợi thế xuất khẩu của vùng như: Lúa gạo, thủy sản, trái cây, rau màu…

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì hội nghị cùng với 200 đại biểu là lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, ngành công thương vùng ĐBSCL.

02.jpg
Gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng tại hội nghị

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, ĐBSCL đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước. Trong đó, ĐBSCL có 3 địa phương có kim ngạch tỷ USD những tháng đầu năm 2024 là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Song, quy mô kinh tế của vùng chỉ chiếm hơn 12% so cả nước, tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương trong vùng còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; hoạt động liên kết vùng còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành. Đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp vùng chưa phát triển đồng bộ, khả năng thu hút nguồn lực đầu tư thấp, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Lô gạo của Lộc Trời xuất khẩu sang Indonesia (1).JPG
Năm 2024 được dự báo là năm xuất khẩu gạo tiếp tục thành công

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn các giải pháp hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu; phương hướng phát triển các nhóm ngành có lợi thế xuất khẩu của vùng như: lúa gạo, thủy sản, trái cây, rau màu; chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nhấn mạnh để tầm quan trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển thương mại vùng; phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL.

“Để ĐBSCL phát triển xứng tầm, giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết.

Tin cùng chuyên mục