Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam thời gian qua không ngừng được nâng cao. Tỷ trọng đóng góp từ du lịch vào GDP của đất nước ngày càng lớn, từ 8,3% năm 2018 lên 9,2% năm 2019. Du lịch tăng trưởng đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, an sinh xã hội cho người dân. Du lịch đã góp phần nâng cao hiểu biết, hữu nghị, bảo tồn văn hoá, bảo vệ môi trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
“Đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch, cơ cấu lại thị trường du lịch, liên kết vùng, hợp tác công-tư và vấn đề chuyển đổi số trong phát triển du lịch… chính là những vấn đề cần triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Thứ nhất, việc hợp tác phát triển du lịch phải nhằm mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội.
Thứ hai, hợp tác phát triển du lịch phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tận dụng và tranh thủ lợi thế của công nghệ số.
Thứ ba, tập trung phát triển thị trường khách nội địa trong bối cảnh chưa mở cửa thị trường khách quốc tế.
Thứ tư, phát triển du lịch phải bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường và văn hóa bản địa.
Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia và yếu tố tự nhiên, yếu tố văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng của các vùng, miền trong cả nước.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, địa phương đã tập trung xây dựng, phát triển dịch vụ đô thị thông minh khá sớm. Trong đó đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ thông tin ICT để hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vấn đề được người dân quan tâm như: giao thông, du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa... Tỉnh tập trung hai khía cạnh: quản lý, điều hành thông minh với chính quyền, doanh nghiệp và trải nghiệm các tiện ích thông minh với du khách.
“Du lịch phải hướng đến chất lượng cho đa dạng các phân khúc. Tiếp theo là tái cơ cấu thị trường khách. Trong bối cảnh hiện nay cần tập trung nâng cao dòng khách nội địa, giúp người Việt được trải nghiệm dịch vụ vốn chỉ dành cho khách nước ngoài. Kế đến chính là yếu tố an toàn. Nhớ lại câu chuyện diễn ra vào tháng 6, tháng 7-2020 tốc độ du lịch tăng rất tốt, nhưng sau đó dịch bùng phát đợt 2 khiến du lịch chững lại. Đây là khoảng thời gian doanh nghiệp nhìn lại chính mình, xây dựng các sản phẩm đảm bảo, an toàn để đưa khách đến. Thêm nữa, Chính phủ cần có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển công nghệ số, thay vì các nền tảng số dùng chung như hiện nay đều do các doanh nghiệp nước ngoài quản lý”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại hội nghị.