Theo kế hoạch, tổng số vốn đầu tư trong nước cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được lên khoảng 10.000 tỷ yen (72 tỷ USD) vào tài khóa 2027, tức là tăng gấp 12 lần so với hiện nay; đồng thời tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp lên 100.000 doanh nghiệp, cao hơn 10 lần so với hiện nay. Ngoài ra, kế hoạch trên cũng đặt mục tiêu tạo điều kiện cho khoảng 1.000 người trẻ tuổi muốn khởi nghiệp đi nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm. Dự kiến, từ tài khóa mới bắt đầu vào tháng 4-2023, mỗi năm Nhật Bản cử 200 người tới Thung lũng Silicon của Mỹ trong vòng 5 năm. Kế hoạch này mở rộng một chương trình tương tự nhỏ hơn, trong đó Nhật Bản đã cử khoảng 20 người mỗi năm tới Thung lũng Silicon trong 7 năm qua.
Trước đó, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) cũng đã lên kế hoạch lập quỹ trị giá hàng tỷ USD để nuôi dưỡng các nhân tài trẻ trong lĩnh vực công nghệ số, phi carbon hóa và các lĩnh vực kỹ thuật có tiềm năng tăng trưởng cao khác. MEXT dự kiến hỗ trợ tài chính cho các cơ sở giáo dục nếu các cơ sở này tái cơ cấu các khoa, phòng nhằm tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Số tiền tài trợ sẽ được sử dụng để trang trải các chi phí ban đầu và chi phí hoạt động của các cơ sở này trong một thời gian nhất định. MEXT dự định phân bổ hơn 70 triệu USD trong dự thảo ngân sách tài khóa 2023 cho kế hoạch này.
Theo Chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ khởi nghiệp ở nước này hiện nay ở mức thấp so với Mỹ và châu Âu. Năm 2020, tỷ lệ khởi nghiệp kinh doanh tại Nhật Bản chỉ ở mức 5,1%, trong khi tỷ lệ này tại Pháp là 12,1%, tại Anh là 11,9%, Mỹ 9,2% và Đức 9,1%. Kế hoạch thúc đẩy khởi nghiệp của Chính phủ Nhật Bản nhằm đưa xứ Phù Tang trở thành trung tâm khởi nghiệp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định, khởi nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng, giải quyết các vấn đề mang tính xã hội và xây dựng kinh tế - xã hội mang tính bền vững.
Để đạt được mục tiêu xây dựng kinh tế - xã hội bền vững, Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua kế hoạch tăng thu nhập từ tài sản của người dân, theo đó khuyến khích người dân chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư. Kế hoạch này bao gồm việc biến các khoản đầu tư quy mô nhỏ trong chương trình Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nhật Bản (NISA) thành các khoản đầu tư lâu dài và được miễn thuế. Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi số tài khoản NISA lên 34 triệu và tổng số tiền đầu tư theo chương trình này sẽ tăng lên 56.000 tỷ yen (hơn 400 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới.
NISA - triển khai từ năm 2014 - được đưa ra sau khi có các nghiên cứu cho thấy phần lớn người dân Nhật Bản có rất ít hoặc không có khoản tiết kiệm dành cho lúc nghỉ hưu và phần lớn số tiền tiết kiệm đó là tiền mặt hơn là các khoản đầu tư. Chương trình này được xây dựng theo mô hình chương trình Tài khoản tiết kiệm cá nhân (ISA) ở Anh. Tuy nhiên, khác với ISA, những người tham gia NISA phải là người đang sống ở Nhật Bản và từ 20 tuổi trở lên. Họ có thể đầu tư tối đa 1 triệu yen (hơn 7.200 USD)/năm và thu nhập từ các khoản đầu tư theo NISA chỉ được miễn thuế trong 5 năm đầu tiên.