Theo ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam), sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây và sự gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thể hiện ở các hiệp định thương mại tự do đang và sẽ có hiệu lực như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) cho thấy Việt Nam thực sự là một thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Đức, ở hầu khắp các lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành chế tạo máy. Do đó, GIC/AHK Việt Nam mong muốn kết nối doanh nghiệp hai nước, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những công nghệ và giải pháp mới nhất trong ngành sản xuất máy công cụ, qua đó tăng năng suất lao động, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng như tăng cường tính linh hoạt và lợi thế cạnh tranh của chính doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều máy công cụ tới từ Đức, thể hiện qua sự tăng trưởng hết sức ấn tượng (3 con số) của tổng giá trị đơn hàng nhập khẩu máy móc công cụ của Đức vào Việt Nam năm 2018, tăng 215% so với năm 2017. Đức hiện là đối tác quốc gia quan trọng nhất trong khối EU, cung cấp phần lớn máy công cụ cho Việt Nam.