Tại cuộc hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nikol Pashinyan thống nhất rằng, hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, thường ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế cũng như tại Liên hiệp quốc.
Thủ tướng Nikol Pashinyan nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã có từ rất lâu. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm Armenia khi Armenia còn là một phần của Liên bang Xô Viết. Đất nước và nhân dân Armenia vẫn nhớ tới chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình cảm rất ấm áp của Người.
Thủ tướng Armenia bày tỏ ấn tượng trước thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, mong Việt Nam tiếp tục ủng hộ Armenia trên các diễn đàn quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, trong đó có Armenia - đất nước đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước kia cũng như trong sự nghiệp phát triển ngày nay.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác và bày tỏ hy vọng, trong khóa họp thứ hai Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Armenia sắp tới, hai bên sẽ cùng nhau đánh giá, tìm giải pháp thúc đẩy sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trao đổi đoàn cấp cao và các cấp để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Thủ tướng Nikol Pashinyan cho biết, Armenia cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng và lĩnh vực công nghệ cao. Sau chuyến thăm này, hai nước sẽ trao đổi và đi đến ký kết văn kiện chứng nhận chất lượng hàng hóa của nhau. Thủ tướng Armenia tin rằng, những nỗ lực đó sẽ giúp tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Về quan hệ nghị viện, Thủ tướng Armenia khẳng định, chuyến thăm Việt Nam lần này của đoàn đại biểu cấp cao Armenia cũng là dịp để tăng cường quan hệ nghị viện giữa hai nước.
Thủ tướng Nikol Pashinyan tin tưởng, việc Quốc hội hai nước tăng cường quan hệ sẽ giúp ích cho cả hai bên trong quá trình hợp tác song phương cũng như trên các diễn đàn nghị viện quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Quốc hội Armenia trên các diễn đàn khu vực, đa phương và tại Liên minh Nghị viện thế giới, trao đổi quan điểm, tham vấn lẫn nhau về những vấn đề hai bên cùng quan tâm và phù hợp với lợi ích của mỗi nước.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với ông Hakob Arshakyan, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Công nghệ cao Armenia.
Việt Nam vừa ký kết văn bản hợp tác với Armenia trong lĩnh vực giáo dục nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Văn bản ký kết giữa hai nước nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh giao lưu sinh viên giữa hai bên trong tương lai. Hiện tại, Việt Nam có gần 10.000 lưu học sinh theo học tại Armenia nhưng chưa có lưu học sinh nào của Armenia học tại Việt Nam.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, Việt Nam hiện nay có 22 triệu học sinh, 1,4 triệu giáo viên trong toàn quốc; đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo từ các cấp mầm non, phổ thông đến đại học. Ở bậc phổ thông, Việt Nam hướng mạnh sang phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế đánh giá xếp thứ hạng cao. Giáo dục mũi nhọn phát triển tốt, năm nào đoàn học sinh Việt Nam đi thi các giải Olympic quốc tế cũng đạt giải cao. Về giáo dục đại học, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chuyển dần các trường đại học công lập sang cơ chế không bộ chủ quản để tăng tính chủ động cho các trường. Việt Nam hướng các trường đại học phát triển về khoa học công nghệ thông tin, khoa học vật liệu mới, du lịch và một số ngành công nghệ kỹ thuật phục vụ cho cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và chuyển đổi số.
Ông Hakob Arshakyan mong muốn hai nước sẽ có hợp tác mạnh mẽ hơn về giáo dục.