Thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững châu Âu - Việt Nam
SGGPO
Ngày 28-11, tại TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022. Sự kiện này sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững EU-Việt Nam thông qua đối thoại toàn diện, phối hợp đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ.
Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; đại diện của các quốc gia thành viên EU; các quan chức ngoại giao và xúc tiến thương mại, các tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Thế giới; hơn 1.000 doanh nghiệp là thành viên của EuroCham và doanh nghiệp Việt Nam.
Hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các cam kết COP 26
Đại diện EuroCham cho biết, mục tiêu chính của GEFE 2022 là hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các cam kết COP 26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển được nêu trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Việt Nam và Đông Nam Á sẽ tham gia vào các diễn đàn, triển lãm đối thoại giữa các doanh nghiệp và doanh nghiệp với Chính phủ trong lịch trình sự kiện kéo dài 3 ngày.
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính tham dự diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ngày đầu tiên của GEFE 2022 sẽ có một hội nghị toàn thể, nơi đại diện cấp cao của các chính phủ châu Âu và Việt Nam sẽ thảo luận về phát triển bền vững, các chính sách, kế hoạch năng lượng và quản lý rủi ro khí hậu.
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Virginijus Sinkevičius, Cao ủy Ủy Ban châu Âu về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp chia sẻ, Việt Nam và EU có nhiều tiềm năng “xanh” để cùng hợp tác phát triển. EU mong muốn hợp tác với Việt Nam trong hoạt động chống biến đổi khí hậu, giảm tiêu thụ năng lượng hoá thạch, giảm rác thải nhựa, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, chống buôn bán động vật hoang dã, triển khai chiến lược thực hành nông nghiệp xanh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng diện tích rừng, sử dụng năng lượng sạch… Không dừng lại đó, còn có ở lĩnh vực logictics, những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, trang thiết bị máy móc, điện thoại.
Tìm hiểu về túi ni lông tự hủy tại triển lãm Kinh tế xanh 2022. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cùng với đó, EU mong muốn xây dựng mô hình chuyển đổi rác thải thành năng lượng sạch, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số nhằm đảm bảo yêu cầu được tiếp cận thông tin của người tiêu dùng cần, áp dụng giải pháp giảm thiểu phát thải trong hoạt động sản xuất nhằm góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2025. Cũng theo ông Virginijus Sinkevičius, EU cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam để cùng thực hiện các mục tiêu trên.
TPHCM kêu gọi doanh nghiệp châu Âu đẩy mạnh đầu tư dự án “xanh"
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Trong quá trình phát triển của mình, đặc biệt là quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, thành phố đang tái cơ cấu các ngành kinh tế vừa nhằm khắc phục những thách thức - bất cập nội tại, vừa bắt kịp các xu thế phát triển của thế giới để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tìm hiểu sản phẩm trưng bày của doanh nghiệp châu Âu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trên thực tế, TPHCM cũng xác định trách nhiệm tiên phong trong thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển bền vững của quốc gia, trong đó có cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26. Theo đó, TPHCM đã xác định 3 vấn đề rõ ràng để theo đuổi tiến trình phục hồi xanh. Cụ thể:
Một là tích cực tham gia vào các xu thế lớn của thế giới như xu thế mở cửa; xu thế phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...; phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức....
Hai là ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022 – 2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế-xã hội theo xu hướng phục hồi xanh.
Ba là xây dựng và triển khai chiến lược tăng trưởng xanh 2021 – 2030 nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nỗ lực hiện thực hoá các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Do vậy, tại diễn đàn, TPHCM mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư châu Âu đầu tư vào thành phố theo các định hướng phát triển nêu trên. Cũng theo ông Phan Văn Mãi, thành phố cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Về phía thành phố cũng cầu thị, lắng nghe các góp ý của chuyên gia, các tổ chức quốc tế cho sự phát triển của thành phố. Quan trọng hơn, trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển và cam kết của mình, TPHCM mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hợp tác hiệu quả hơn nữa của các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các bạn bè, đối tác quốc tế.