Vì vậy, ngày 12-3, tỉnh Bình Phước sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024” (Diễn đàn) để mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh.
Tăng trưởng ấn tượng
Năm 2023, tỉnh Bình Phước đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,34%, mức cao nhất khu vực Đông Nam bộ; chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (IIP) ước tăng hơn 10% so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người gần 94 triệu đồng/năm (tăng 9,53% so với năm 2022). Góp sức vào bức tranh tươi sáng ấy là những dấu hiệu khởi sắc trên lĩnh vực thu hút đầu tư. Năm qua, tỉnh thu hút 48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 739,23 triệu USD (đạt 277% kế hoạch năm). Lũy kế đến nay, Bình Phước có khoảng 410 dự án FDI với số vốn đăng ký khoảng 4,3 tỷ USD.
Tiếp sau dự án có giá trị đầu tư 250 triệu USD của Tập đoàn chăn nuôi CP (Thái Lan) trong năm 2020, tháng 9-2023, UBND tỉnh Bình Phước đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Haohua (Việt Nam) cho nhà đầu tư Shandong Haohua Tire, thuộc Tập đoàn Haohua (Trung Quốc), với tổng vốn 500 triệu USD. Dự án triển khai tại KCN Minh Hưng Sikico, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản trên diện tích 43ha. Sản phẩm của nhà máy gồm: lốp Radial bán thép và lốp Radial toàn thép cho xe ô tô và các loại xe khác. Công suất sản xuất lốp xe tải Radial toàn thép không săm với sản lượng 2,4 triệu bộ/năm và lốp Radial bán thép với sản lượng 12 triệu bộ/năm. Nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động địa phương và 200 lao động nước ngoài. Đây là dự án FDI có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Phước. Với diện tích cây cao su lớn nhất cả nước (hơn 240.000ha), dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su, gia tăng giá trị cho ngành cao su của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Để thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, ngoài quỹ đất dồi dào, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục đầu tư cũng giúp Bình Phước “ghi điểm” với nhà đầu tư. Là một trong những địa phương được chọn làm thí điểm chương trình Chuyển đổi số quốc gia, hiện nay, dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia ở Bình Phước xếp thứ 4/63 tỉnh, thành. Bình Phước cũng là tỉnh sớm xây dựng, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và 3 trung tâm IOC cấp huyện (TP Đồng Xoài, thị xã Phước Long, thị xã Bình Long). Dự kiến trong năm 2024, các địa phương còn lại của tỉnh sẽ đưa vào vận hành trung tâm IOC.
Hiện Bình Phước có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 10 đơn vị hành chính thuộc diện ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt. 5 huyện được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt là Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng; 5 địa bàn thuộc diện ưu đãi đầu tư là các thị xã Phước Long, Bình Long, Chơn Thành và 2 huyện Hớn Quản, Đồng Phú.
Cơ hội đầu tư từ doanh nghiệp châu Âu
Ngày 12-3 tới đây, UBND tỉnh Bình Phước sẽ tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024” để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Bình Phước, giúp nhà đầu tư trong, ngoài nước tiếp cận các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án tại các KCN, khu kinh tế, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Diễn đàn nhằm kết nối, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có doanh nghiệp thuộc EuroCham, có uy tín và tiềm lực về tài chính, công nghệ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; đưa nền nông nghiệp của tỉnh vào mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Tại buổi họp báo về sự kiện, ông Võ Sá, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Phước, cho biết, tỉnh cam kết tạo điều kiện trong khung pháp lý về đầu tư với mức cao nhất có thể. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Phước ban hành năm 2022, khi đầu tư vào Bình Phước, tùy theo địa bàn và ngành nghề đầu tư, nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu…
Trả lời câu hỏi của PV báo SGGP về lợi thế của Bình Phước so với các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham, cho rằng, Bình Phước là tỉnh phát triển sau so với TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương vốn có tỷ lệ công nghiệp hóa rất cao, tập trung nhiều KCN. Tuy đi sau nhưng Bình Phước có thể áp dụng công nghệ cao để tạo ra bước phát triển nhanh. Bình Phước lợi thế là có quỹ đất dồi dào để xây dựng các trại chăn nuôi lớn áp dụng công nghệ cao, nguồn nhân lực tốt trên lĩnh vực nông nghiệp, đội ngũ lao động trẻ có khả năng ngoại ngữ tốt hơn so với trước... Bình Phước nằm hơi xa TPHCM và hạ tầng giao thông còn hạn chế, tuy nhiên 4-5 năm gần đây, Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực để phát triển đường cao tốc. Cộng đồng doanh nghiệp EuroCham rất tin tưởng vào kế hoạch phát triển hạ tầng, trong đó có cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Chơn Thành - Thủ Dầu Một - TPHCM được khởi công cuối năm nay, sẽ kết nối giao thông liên hoàn từ TPHCM đến Tây nguyên.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, Diễn đàn kết nối giao thương với EuroCham diễn ra ngày 12-3 có sự tham dự của Đại sứ liên minh châu Âu tại Việt Nam và Đại sứ, Tổng lãnh sự, Tham tán thương mại các nước như Hà Lan, Australia, Hungary, Malaysia, Indonesia, Nigeria… Đặc biệt là sự hiện diện của hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu đến từ khối Liên minh châu Âu như Heineken, De Heus, Big Dutchmaen, Kilimo, Logwin Air and Ocean, The Fruit Republic… và các doanh nghiệp đến từ Hiệp hội doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (AusCham).