Tại hội đàm, hai bên thống nhất nhận định tiềm năng hợp tác hai nước là rất lớn. Do đó, cơ quan lập pháp hai nước cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, hoàn thiện thể chế phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam từ một đất nước nghèo đói, đến nay vươn lên có quy mô GDP nằm trong tốp 38 thế giới, và nếu tính theo sức mua tương đương thì Việt Nam còn có thứ bậc cao hơn. Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu nằm trong tốp 20 thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt gần 750 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông sản đạt 54 tỷ USD. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài với gần 440 tỷ USD cam kết đầu tư nước ngoài từ 140 nước.
Đối với hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thụy Sĩ tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam về tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, dịch vụ du lịch...
Nhất trí với đề nghị cụ thể của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas cho biết, Thụy Sĩ hoan nghênh các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thụy Sĩ sẽ luôn quan tâm, sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để hai bên cùng đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Đánh giá cao các kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trở thành một nước phát triển năng động trong khu vực và có môi trường đầu tư hấp dẫn được nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ quan tâm, Chủ tịch Hạ viện Thụy Sĩ Martin Candinas cho rằng việc tăng cường hơn nữa hợp tác đầu tư, kinh tế, thương mại song phương sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác bền vững và năng động.