Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Một trong những lý do lãng phí trong các dự án đầu tư công là do triển khai chậm tiến độ, chậm giải ngân, dẫn đến đội vốn, thất thoát ngân sách. Và thực tế, việc giải ngân các dự án hiện nay rất chậm, đây là vấn đề đáng báo động và cần có một chế tài chặt chẽ… 

 

Công trình chống ngập do triều cường phải tạm dừng vì ngân hàng ngưng giải ngân nguồn vốn cho dự án. Ảnh: THÀNH TRÍ
Công trình chống ngập do triều cường phải tạm dừng vì ngân hàng ngưng giải ngân nguồn vốn cho dự án. Ảnh: THÀNH TRÍ

Hơn nửa năm, giải ngân được 1/3

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giải ngân trong 7 tháng đầu năm nay, dù có tăng so với cùng kỳ nhưng chỉ ước hơn 150.000 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch năm (tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017). Có đến 31/56 bộ, ngành trung ương và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 35% kế hoạch năm. Trong đó, 11 bộ, ngành giải ngân dưới 10% và một số bộ, ngành chưa giải ngân.

Đánh giá về nguyên nhân chậm giải ngân vốn trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chủ yếu là do khó khăn trong tổ chức thực hiện dự án, dẫn đến chưa có khối lượng thi công xây lắp. Các dự án mới (cấp trung ương) vẫn ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục hoặc đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế, thi công; chậm trong công tác giải phóng mặt bằng; có vướng mắc trong quá trình thẩm định tổng mức đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công. Còn một số dự án chuyển tiếp hoặc đang thực hiện bị chậm là do có điều chỉnh thiết kế…

Điển hình nhất trong việc điều chỉnh vốn khiến giải ngân chậm là ở lĩnh vực giao thông. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề nghị điều chỉnh hơn 1.600 tỷ đồng vốn. Trong năm 2018, Bộ GTVT được giao 4.190 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ khả năng giải ngân của các dự án, Bộ GTVT chỉ đăng ký nhu cầu phân bổ 2.586 tỷ đồng, số còn lại đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh sang các dự án quan trọng, cấp bách của các bộ, ngành, địa phương khác.

Đối với việc giải ngân vốn nước ngoài, hiện một số dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2018 nhưng hết thời hạn giải ngân vốn theo thỏa thuận nên phải làm thủ tục gia hạn giải ngân. Một số dự án hỗn hợp, bao gồm cả cấp phát và cho vay lại, chưa giải ngân được do đang gặp vướng mắc trong thực hiện việc ký kết hợp đồng cho vay lại. 

Tình hình thực hiện vốn các chương trình mục tiêu quốc gia cũng chậm do việc phân bổ vốn của các địa phương chậm. Các dự án giảm nghèo bền vững đều không đáp ứng tiêu chí “có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình” để áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP, dẫn đến làm chậm tiến độ triển khai các dự án…

Giải ngân dưới 30% sẽ bị điều chuyển vốn

Việc giải ngân vốn ngân sách trung ương cho chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang diễn ra rất chậm. Trong khi nguồn vốn ngân sách trung ương giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hơn 11.000 tỷ đồng (giảm nghèo bền vững 5.000 tỷ đồng và xây dựng nông thôn mới 6.000 tỷ đồng), nhưng giải ngân chưa đầy 2.500 tỷ đồng, tương đương 22% kế hoạch - thấp hơn tỷ lệ bình quân giải ngân chung của các dự án thuộc nguồn vốn trong nước do các địa phương quản lý (34,55%). Thậm chí, tỉnh Thái Bình và Bộ Thông tin - Truyền thông còn chưa phân bổ kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia 2018. Một số địa phương khác tuy đã phân bổ kế hoạch nhưng chưa giải ngân, hoặc tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10% so với kế hoạch được giao như các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau. Có 20/52 địa phương giải ngân từ 10% đến dưới 30% so với kế hoạch được giao.   
 
Điển hình, với chương trình nông thôn mới, đến nay vẫn đang thực hiện rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, nên chưa có số liệu làm cơ sở bố trí kế hoạch năm 2018. Ngoài ra, còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện dự án. Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp cứng rắn để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn. Cụ thể, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo chủ đầu tư phân bổ hết số vốn còn lại của kế hoạch năm 2018 chưa giao chi tiết cho từng dự án. Các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán các dự án để nhanh chóng nghiệm thu, thanh toán khi có khối lượng hoàn thành, không dồn thanh toán vào cuối năm. Muốn làm được điều đó, các tỉnh, thành phải đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu; chủ động tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện các dự án trên địa bàn... 

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề nghị sở KH-ĐT các địa phương phải phối hợp với đơn vị liên quan đánh giá khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 không có nhu cầu và khả năng giải ngân; chủ động điều chuyển và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn sang dự án khác có nhu cầu thuộc danh mục đầu tư công, đảm bảo bố trí vốn cho các dự án nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ KH-ĐT trình cấp có thẩm quyền cho phép các địa phương đã bố trí đủ vốn cho các dự án theo nguyên tắc: Nếu còn vốn thì được phép hoàn tất thủ tục đầu tư để bố trí vốn cho dự án khởi công mới trước ngày 31-8. Nếu đến hết ngày 30-9, địa phương nào có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dưới 30% kế hoạch được giao, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chuyển cho các địa phương có khả năng giải ngân.

Tuy nhiên, để thúc đẩy giải ngân, các địa phương cần phải rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Về phía trung ương, kể từ ngày 10-7, các quy định về điều kiện thanh toán vốn đầu tư công được thông thoáng hơn, tạo thuận lợi tối đa cho các chủ đầu tư. Kho bạc Nhà nước rút ngắn thời gian kiểm tra hồ sơ xuống còn 4 ngày và chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” - thanh toán trước, kiểm soát sau.

Tin cùng chuyên mục