Quan tâm chế độ, chính sách đối với nhà giáo
Hơn 300 cán bộ là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, HĐND TPHCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, các cấp ủy đảng TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, đại diện trường đại học, cao đẳng và phổ thông trên địa bàn TPHCM đã tham dự hội nghị.
Chia sẻ về kinh nghiệm, cách làm, giải pháp hay trong công tác lãnh đạo đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng, cần nêu cao vai trò đi đầu của cấp ủy các cấp trong việc triển khai và thực hiện Nghị quyết 29 nhằm thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chương trình hành động của các đơn vị để có biện pháp kịp thời hỗ trợ các đơn vị hoàn thành chương trình hành động và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên đủ mạnh để làm tốt đổi mới giáo dục và đào tạo...
Để đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong trường học, theo ông Nguyễn Kim Luyện, Phó Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM, các cấp ủy đảng phải giữ vững và phát huy vai trò hạt nhân chính trị, xác định rõ việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, phẩm chất đạo đức là nội dung quan trọng để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Cùng với đó, trường học tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh đô thị cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động giáo dục ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, hoạt động về nguồn nhằm giáo dục nhận thức, tư tưởng cho người học.
Đề cập đến nguồn nhân lực, bà Lê Mộng Điệp, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, cho rằng, cơ chế phối hợp giữa các ban ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo. Cùng với đó là chú trọng công tác chăm lo vật chất, xây dựng lý tưởng, hoài bão cách mạng, động viên tinh thần đối với đội ngũ, có chính sách khuyến khích người làm việc đạt năng suất cao, phát huy tinh thần gương mẫu, chống tư tưởng bình quân, bao cấp trong giáo dục.
Đặc biệt, đối với mô hình “Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” mà TPHCM đẩy mạnh trong năm học này, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) Bùi Minh Tâm bày tỏ, mô hình trường học mới đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay phối hợp từ các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các nhà quản lý giáo dục và nỗ lực của đội ngũ các thầy cô giáo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn nhận định, nhờ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý nhà nước, việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục được quan tâm thực hiện ở cả 3 yếu tố gồm: học thuật (nội dung, phương thức giáo dục), tài chính và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Lấy học sinh làm trung tâm
Theo PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, giáo dục đại học Việt Nam chuyển biến tích cực về mọi mặt, trong đó chất lượng giáo dục từng bước được cải thiện, mô hình quản trị đại học thông qua hội đồng trường được triển khai. Trong bối cảnh các nguồn lực còn hạn hẹp, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, ngành GD-ĐT đã chuyển biến căn bản về chất lượng, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện tự chủ đại học đã bộc lộ nhiều hạn chế xuất phát từ các quy định, chính sách của Nhà nước.
Theo PGS-TS Mai Thanh Phong, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), hiện nay TPHCM là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới GD-ĐT đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Những thành tựu này vừa là cơ sở để nâng cao hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vừa là động lực góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ở khía cạnh khác, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1 Nguyễn Trung Châu Tuyên cho rằng, cần chú trọng công tác phát triển đảng viên trong ngành giáo dục, thực hiện có hiệu quả công tác chính trị tư tưởng trong trường học; nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng tại trường học trong sự đổi mới và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành giáo dục, đào tạo. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền đối với việc đổi mới dạy và học, nhất là đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, lấy học sinh làm trung tâm...
Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, trong thời gian tới, với việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đây là cơ hội lớn để TPHCM phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược nhằm thúc đẩy công tác đổi mới giáo dục tại TPHCM một cách căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29.