Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển xứng tầm

Ngày 25-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, khu vực doanh nghiệp này có thể và cần phải gia tăng về số lượng, chất lượng, quy mô cũng như đóng góp vào nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.

Thực tế, Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân đã đề ra mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, song đến nay cả nước mới có chưa tới 1 triệu doanh nghiệp, bằng khoảng 2/3 so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW.

Với hơn 100 triệu dân, tính ra trung bình hơn 100 người dân Việt Nam mới có 1 doanh nghiệp. Tỷ lệ này ở Malaysia là 29,06, Thái Lan là 20,68, Singapore là 20,23, còn Indonesia là 4,31. Mở rộng ra của Mỹ là 10,24, Hàn Quốc là 8,21 (các số liệu trên là của Ngân hàng Phát triển châu Á công bố năm 2023).

Lượng “thua” đã rõ, nhưng “chất” thì sao? Tại sao số doanh nghiệp của Việt Nam lại ít thế? Tại kinh tế của chúng ta chưa phát triển chăng? Không hẳn. Philippines thua chúng ta về GDP bình quân đầu người nhưng cứ 103,26 người dân có 1 doanh nghiệp, Indonesia chỉ hơn chúng ta một chút về GDP/đầu người mà số doanh nghiệp của họ gấp đến 89 lần, trong khi dân số chỉ gấp chưa đến 3 lần so với Việt Nam.

Nguyên nhân ở chỗ chúng ta có khái niệm “hộ kinh doanh”, còn các nước khác không có khái niệm hộ kinh doanh. Với họ, đã kinh doanh thì đều là doanh nghiệp, tất cả đều phải đăng ký kinh doanh, có mã số thuế, quyết toán thuế và nộp thuế đầy đủ. Việc phân chia doanh nghiệp ở Việt Nam theo các nhóm: doanh nghiệp lớn (trên 100 lao động), doanh nghiệp vừa (20 đến 99 lao động), doanh nghiệp nhỏ (5 đến 19 lao động) và doanh nghiệp siêu nhỏ (1-4 lao động).

Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên được quản lý theo một cách riêng, thuế khoán chứ không nộp thuế theo các loại hình như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… Nếu chuyển 80% hộ kinh doanh phi nông nghiệp thành công ty siêu nhỏ và nhỏ thì Việt Nam sẽ có khoảng 4,8 triệu doanh nghiệp. Và khi đó, mọi thông số về doanh nghiệp của Việt Nam sẽ trở lại giống các nước khác, không bất thường nữa.

Đã đến thời điểm chúng ta bỏ khái niệm hộ kinh doanh, chuyển thành doanh nghiệp tư nhân cho giống với quốc tế. Việt Nam đã vượt Philippines, sắp ngang bằng Indonesia về GDP/đầu người, lẽ nào cứ tụt hậu với những khái niệm cơ bản nhất của nền kinh tế thị trường về doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, cần nói rõ rằng, số lượng phải tương xứng với chất lượng, đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ thị: việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phải theo hướng nhanh, bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, mục tiêu trong năm 2025 là giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, 30% chi phí tuân thủ, bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường giám sát.

Đương nhiên, về phần mình, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng phải phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm; vươn lên, không trông chờ, lệ thuộc vào sự hỗ trợ. Với không gian phát triển đang được mở rộng, bộ máy hành chính các cấp được tinh giản, “thon gọn” đáng kể, nhiều dự án trọng điểm quốc gia quy mô rất lớn đang được triển khai, giới đầu tư - kinh doanh đang có những cơ hội lớn. Nếu bỏ lỡ, họ không chỉ “không lớn được” mà thậm chí còn thụt lùi và suy vong theo những quy luật khắc nghiệt nhưng sòng phẳng của cơ chế thị trường.

TS Nguyễn Đình Cung,

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tin cùng chuyên mục