Làm tự nguyện: khó thành
Khái niệm công trình xanh đã xuất hiện trong ngành xây dựng Việt Nam khoảng 15 năm qua. Riêng TPHCM hiện đang đứng đầu cả nước về số công trình xanh, với khoảng 70 công trình. Có thể kể đến như khu chung cư cao tầng Gamuda - Elysian tại TP Thủ Đức. Nhờ các thiết kế kiến trúc đặc biệt, cư dân ở đây có thể tiếp cận với các khu vườn được bố trí trên cao, gần với không gian sống. Bên cạnh đó, tất cả vật liệu của dự án đều ít phát thải chất gây hại. Tương tự, tại công trình Văn phòng NRG thuộc Công ty Artelia (phường Đa Kao, quận 1), phần lớn vật liệu được sử dụng đều là tái chế; các sản phẩm nội thất đều có tính bền vững, thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, tại TP Hà Nội, công trình xanh điển hình được nhắc tới gần đây là dự án trụ sở mới của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam nằm trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Bắc Từ Liêm). Dự án đã nhận được chứng nhận Công trình xanh LOTUS hạng Bạc của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, được đánh giá là tiết kiệm đến 49% năng lượng, tiết kiệm 48% nước so với một công trình tương đương xây dựng theo quy chuẩn tối thiểu. Bên cạnh đó, 100% không gian làm việc có tầm nhìn ra ngoài, 98% không gian sử dụng được cung cấp khí tươi...
Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS-TS-KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện Khoa học công nghệ Đô thị xanh, dù điểm xuất phát không bị chậm hơn so với các quốc gia Đông Nam Á nhưng quá trình thực thi, tốc độ xây dựng công trình xanh tại Việt Nam đang bị chậm lại. Hiện con số công trình xanh còn khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng ở một số nước trong khu vực và so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. “Chúng ta đã có một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Luật Xây dựng sửa đổi... Tuy nhiên, lâu nay việc thực hiện các công trình xanh ở Việt Nam vẫn đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, chưa có sự khuyến khích của cơ quan quản lý”, PGS-TS-KTS Hoàng Mạnh Nguyên chia sẻ.
Sớm có cơ chế hỗ trợ
Theo PGS-TS Mai Thị Liên Hương, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, 10 năm trở lại đây, các công trình ở Việt Nam sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải CO2 - tác nhân chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số thành thị tại Việt Nam sẽ tăng lên 45%, tương ứng mỗi năm phải xây dựng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Như vậy, mức độ ảnh hưởng của ngành xây dựng trong vấn đề giảm phát thải sẽ ngày càng lớn. Do đó, vấn đề thúc đẩy xây dựng công trình xanh là hết sức cấp thiết, sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, mặc dù công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư từ 3% - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng lại tiết kiệm từ 15% - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30% - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30% - 50% lượng nước sử dụng, giảm 50% - 70% chi phí xử lý chất thải. Thực tế tại Việt Nam, chi phí và lợi ích của công trình xanh đã được kiểm chứng nhưng các cơ chế chính sách chưa ràng buộc nên các chủ đầu tư cũng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh cần phải có quy định pháp luật cũng như cơ chế chính sách cụ thể. KTS Đỗ Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng, để có các công trình xanh chất lượng, việc đầu tiên phải có một thiết kế xanh. Thời gian qua, các công trình xanh sử dụng gạch không nung, tre, rơm, kính phát xạ thấp, bê tông từ xỉ lò cao... giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế của các KTS Hoàng Thúc Hào, Võ Trọng Nghĩa, Đoàn Thanh Hà… nhưng số lượng còn quá ít. Cùng với đó là sử dụng vật liệu xanh. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đang là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Do đó, thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất VLXD theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào hành trình chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.
PGS-TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học - công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, quá trình xanh hóa ngành VLXD gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư, cải tạo dây chuyền, thiết bị phù hợp với việc sản xuất các loại VLXD xanh khá lớn. Trong khi đó, khuôn khổ pháp luật hiện hành chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể; năng lực và trình độ công nghệ sản xuất VLXD xanh trong nước cũng còn hạn chế, giá thành sản phẩm còn cao nên khả năng tiêu thụ thấp. Chỉ khi nguồn cung các VLXD xanh dồi dào, phong phú và có chất lượng cao, giá thành hợp lý thì việc phát triển các công trình xanh mới tăng tính khả thi.
Đề xuất cụ thể hơn cho việc thúc đẩy phát triển công trình xanh, kỹ sư Nguyễn Xuân Hải, Viện Quản lý dự án Hoa Kỳ (PMI) cho rằng, phải có quỹ tài chính hỗ trợ dành cho các dự án xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm nguồn tài nguyên hoặc các dạng công trình tương tự. Nhà nước cần phối hợp với ngân hàng để cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dạng dự án này; có thể sử dụng công cụ thuế như là một phương thức hiệu quả nhằm thay đổi hành vi của chủ đầu tư để thúc đẩy đầu tư xanh. Bên cạnh đó, cần xem xét tạo điều kiện và ưu tiên ở giai đoạn cấp phép xây dựng cũng như các thủ tục pháp lý khác...
* Ông NGUYỄN TƯỜNG VĂN, Thứ trưởng Bộ Xây dựng:
Sẽ xây dựng lộ trình bắt buộc, ưu đãi công trình xanh
Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn hiện hành về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả và nghiên cứu xây dựng các quy chuẩn mới có liên quan như kết cấu dạng nhà, quy chuẩn về nhà công nghiệp… Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng lộ trình phù hợp để từng bước yêu cầu bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, phát thải thấp với một số loại hình, quy mô công trình, sau đó dần dần mở rộng thêm các đối tượng, quy mô với các loại hình công trình khác.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng các sản phẩm, thiết bị, công nghệ, vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, phát thải thấp để dễ dàng sử dụng trong các dự án, công trình xây dựng; các chính sách, cơ chế ưu đãi về đầu tư, về tài chính, tín dụng xanh cho các dự án công trình xanh, đô thị xanh.
* Ông DƯƠNG ĐỨC TUẤN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội:
Tạo hành lang pháp lý
Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm nghiên cứu hành lang pháp lý đối với công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư theo từng trường hợp cụ thể, liên quan đến tài chính, đất đai, đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc... Điều này đặc biệt có ý nghĩa vì sẽ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường khi tốc độ đô thị hóa đang tăng nhanh, nhiều đô thị mới đang hình thành, với hàng loạt các công trình lớn sắp được xây dựng.
* PGS-TS-KTS HOÀNG MẠNH NGUYÊN, Viện Khoa học công nghệ Đô thị xanh:
Vinh danh công trình xanh cần khách quan
Thời gian qua, có nhiều công trình xanh của các đơn vị doanh nghiệp, chủ đầu tư đã được Bộ Xây dựng vinh danh và khen tặng. Tuy nhiên, việc vinh danh các công trình xanh cũng gây nên một số ý kiến vì còn thiếu và trùng lặp. Để tránh những tranh luận không đáng có, Bộ Xây dựng nên mời một đơn vị chuyên môn độc lập khách quan tổng hợp và đánh giá. Việc vinh danh khách quan, minh bạch sẽ góp phần khuyến khích và động viên được nhiều đơn vị có đóng góp thực chất cho phát triển công trình xanh tại Việt Nam.