Theo TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Vương quốc Anh), biến đổi khí hậu là rủi ro hiện hữu tác động trực tiếp đến hệ thống tài chính, không chỉ cho vay tín dụng xanh mà cả hình thức cho vay bình thường nếu DN gặp rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Ở châu Âu, nếu như trước đây, các ngân hàng chỉ phải công bố báo cáo về rủi ro tín dụng, thanh khoản, hoạt động ngân hàng… thì trong 2 năm gần đây còn phải công bố kèm theo tác động rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các ngân hàng khu vực đồng Euro đã chuẩn bị các nguồn vốn đa dạng để hỗ trợ DN chuyển đổi sang sản xuất bền vững.
Thật ra, dòng chảy của vốn tín dụng xanh khá phong phú. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế TPHCM, phân tích, những sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống chưa thể phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh cho DN thì đã có những giải pháp khác có thể tính toán tới. Một trong những sản phẩm mới được nhóm nghiên cứu khuyến nghị áp dụng là công nghệ tài chính xanh (Green Fintech). Như trường hợp Mybank (Trung Quốc), ngân hàng này đã sử dụng công nghệ tài chính để cấp tín dụng xanh cho DN vừa và nhỏ, đặc biệt là cho nông dân - đối tượng vốn lâu nay bị đánh giá là đầy rủi ro về khả năng trả nợ, không có lịch sử tín dụng… vì thế, rất ít giải pháp tài chính dành cho họ. Từ đó, Mybank đã phát triển hệ thống vệ tinh “Tomtit” để có thể thay thế các dữ liệu thiếu của nhóm khách hàng trên. Hệ thống có khả năng kết hợp dữ liệu viễn thám và nhận dạng hình ảnh của cánh đồng; phân tích thông tin khí hậu, mô hình ngành, dữ liệu đăng ký đất đai từ cơ quan chính phủ; đánh giá rủi ro, ước tính năng suất và giá trị sản lượng cây trồng; xác định mức tín dụng và kế hoạch trả nợ phù hợp cho nông dân để giảm khả năng vỡ nợ… để từ đó cấp tín dụng cho nhóm khách hàng này.
Theo các chuyên gia, công nghệ tài chính là chìa khóa giảm rủi ro từ biến đổi khí hậu cho DN. Không chỉ giảm rủi ro vật chất cho DN, công nghệ tài chính còn giúp các DN có khả năng dự báo và quản lý tài nguyên tốt hơn. Hiện nay, đã có một số DN dệt may, xuất khẩu tại Việt Nam ứng dụng công nghệ để quản lý tài nguyên của mình.
Trong thời gian qua, các ngân hàng đã có chính sách yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đối với DN nhận tài trợ, tín dụng xanh. Nhiều ngân hàng từ chối cho vay đối với các ngành có phát thải cao như than, đồng thời tìm kiếm khách hàng là các DN có kết quả ESG tốt, DN quan tâm đến giải quyết biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hiện ngân hàng đang là cổ đông của nhiều tổ chức, nên có thể dùng quyền này để tác động đến việc thúc đẩy ESG tại nhiều DN... Đó cũng là cách mà tài chính xanh có thể tác động đến quá trình chuyển đổi xanh của DN, lan tỏa chuyển đổi xanh của cả quốc gia. Do vậy, có thể xem sử dụng công nghệ tài chính là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro trong tín dụng xanh.