Còn lúng túng
Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC, TPHCM) hiện có quy mô đào tạo hơn 10.000 học sinh, sinh viên (HSSV) theo học với 24 ngành đào tạo trình độ cao đẳng và 7 ngành đào tạo trình độ trung cấp thuộc các lĩnh vực: công nghệ - kỹ thuật; kinh tế - dịch vụ và ngôn ngữ. Dạy học trực tuyến, giao bài nhận bài qua hệ thống E-learning... là giải pháp tình huống được TDC triển khai thời gian qua cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, theo sinh viên Vũ Thống Nhất, lớp Cao đẳng ô tô, Khoa Cơ khí ô tô TDC, việc học trực tuyến chỉ phù hợp với HSSV không thuộc ngành kỹ thuật. Sinh viên ngành kỹ thuật gặp khó do học lý thuyết đến đâu sẽ thực hành đến đó. Trong khi học online chỉ học được lý thuyết, còn thực hành theo dõi qua video của các thầy làm mẫu. Do vậy, Nhất và các bạn không tự tin là sẽ thực hành tốt như khi được học tại xưởng.
Ở góc độ nhà trường, Th.S Nguyễn Xuân Toán, Phó Hiệu trưởng TDC, cho biết, TDC hiện có 4.000 HSSV khối ngành kỹ thuật theo học với thời gian phân bố trong chương trình đào tạo: 30% lý thuyết và 70% thực hành. Việc ứng dụng chuyển đổi số cho đối tượng này gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là tư duy chưa phù hợp của quản lý, giảng viên và người học. Tiếp đó, khối thực hành đòi hỏi phải trực tiếp tương tác giữa dạy và học, thực hành với máy móc nhiều hơn, do đó khi chuyển qua học trực tuyến trường gặp không ít lúng túng.
Có sự chuẩn bị tương đối tốt về hạ tầng công nghệ, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng đã ứng dụng chuyển đổi số vào tổ chức dạy - học trực tuyến cho 46 môn học với 167 lớp học trực tuyến, hơn 10.000 HSSV tham gia. Đây cũng là cơ hội để trường đẩy mạnh, phát triển đào tạo trực tuyến, phát triển mô hình đào tạo E-learning trên cơ sở phát triển “Nhà trường thông minh”. Bước đầu, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến đối với các môn học lý thuyết, còn các môn thực hành, môn tích hợp đòi hỏi phải tổ chức giảng dạy tại nhà xưởng, khó thực hiện bằng dạy học trực tuyến.
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (Bộ LĐTB-XH) đang đào tạo 29 ngành nghề trong đó chủ yếu là nghề kỹ thuật, trên 3.000 HSSV theo học khối ngành nghề kỹ thuật nói riêng. Dù được cơ quan chủ quản tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện, nhưng TS Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng nhìn nhận còn rất nhiều việc phải làm, nhất là đội ngũ thầy cô giáo phải có tâm thế chuyển đổi, dám đổi mới quá trình ứng dụng số hóa trong dạy học.
Phải gắn chặt với doanh nghiệp
Dự thảo khung đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, toàn bộ hệ thống GDNN như một quốc gia thu nhỏ; hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở GDNN, giáo viên, HSSV sẽ chuyển lên môi trường số. Đến năm 2030, hoạt động GDNN Việt Nam đạt trình độ các nước ASEAN-4.
Cụ thể, đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan đến hoạt động GDNN là dịch vụ trực tuyến mức độ 4, được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Đặc biệt, khoảng 600 cơ sở GDNN (chiếm 30%) phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn; 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến.
TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH) cho rằng, để đạt được mục tiêu 600 cơ sở GDNN phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn, Tổng cục GDNN xây dựng được hệ thống dữ liệu lớn toàn ngành, tạo được các nền tảng công nghệ, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và đặc biệt phải chuẩn bị nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, TS Quốc Bình cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN bắt buộc phải gắn liền với doanh nghiệp.
Còn TS Nguyễn Hồng Tây, Vụ phó, Phó trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐTB-XH tại TPHCM, đánh giá, các nhà trường đang đẩy mạnh hoạt động bằng cách đưa ứng dụng CNTT vào giảng dạy, kết nối, chuyển đổi số trong đào tạo, xây dựng “trường học thông minh”. Việc đa dạng hóa gắn với doanh nghiệp, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức đào tạo gắn với mô hình giáo dục mở, gắn với thị trường lao động đang là yêu cầu hết sức cấp thiết.
Về góc độ doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Sao Mai, gợi mở một trong những giải pháp xây dựng “trường học thông minh” phải được bắt nguồn từ xây dựng thư viện thông minh, bởi thư viện chính là trái tim, nền tảng cốt lõi, phục vụ mọi hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, tự học; xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến phục vụ việc giảng dạy mọi lúc mọi nơi. Với thư viện thông minh, hoạt động nhà trường sẽ trở nên linh hoạt hơn, thầy cô không cần đến lớp mà vẫn chia sẻ được tri thức đến người học”.