Yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 phải có nội dung về thực hiện chuyển đổi số, xác định rõ các nhiệm vụ và kinh phí thực hiện, phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Ngày 18-11, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) đã phối hợp với Tập đoàn VNPT tổ chức hội nghị “Xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp” và “Khai trương Trục liên thông văn bản UBQLVNN”. Tham dự hội nghị và chứng kiến lễ khai trương có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ TT-TT, Bộ KH-CN, Ban Cơ yếu Chính phủ và đại diện 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc UBQLV.
Lãnh đạo UBQLVNN và 19 tập đoản, tổng công ty trực thuộc tham gia hội nghị. Ảnh: T.B. Phát biểu tại đây, Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc và phải thực hiện theo đúng chủ trương, chỉ đạo tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây vừa là nhiệm vụ, nhưng cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. UBQLVNN với trách nhiệm của mình, sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và thực hiện việc xây dựng Chính phủ điện tử theo Mô hình kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; tăng cường kết nối với doanh nghiệp về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành và đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc, nâng cao chất lượng thông tin giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, những năm gần đây, khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, công cuộc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các lĩnh vực của xã hội như truyền thông đại chúng, y học, khoa học,… Chuyển đổi số trở thành cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, đòi hỏi các các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới phải thực hiện thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật. Nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, đồng thời giúp các doanh nghiệp trực thuộc nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trên thị trường, UBQLVNN, với vai trò xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình cho các đơn vị thành viên, sẽ là tác nhân hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Hiện nay, 19 tập đoàn, tổng công ty do UBQLVNN làm đại diện chủ sở hữu đanh nắm giữ những nguồn lực lớn và trọng yếu trong nền kinh tế đất nước như: nông nghiệp, giao thông vận tải và Logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp, đầu tư và kinh doanh tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông… Do đó, việc xây dựng nền kinh tế số quốc gia sẽ hiện thực hóa được nếu đẩy mạnh chuyển đổi số ở các tập đoàn, tổng công ty này.
Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.B.
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho rằng, sự phát triển với tốc độ cao của công nghệ số, và kết quả của nó là sự hình thành một nền kinh tế số với những quy luật vận hành đổi mới, tốc độ thay đổi nhanh, và gia tăng kết nối giữa các thành phần kinh tế. Trong những năm qua, kinh tế số Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Đảng và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế số còn chưa đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế khác nhau, giữa các vùng miền khác nhau, nhận thức về kinh tế số chưa tương xứng trong xã hội và chủ thể kinh doanh. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Nhà nước được Đảng và Chính phủ giao trọng trách đầu tàu, hướng dẫn, dẫn dắt các thành phần khác trong chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế số. “Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề chuyển đổi số. VNPT cam kết sẽ triển khai tích cực nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, UBQLVNN và các bộ, ngành; đồng thời khẳng định sự tham gia với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, cùng đồng hành hỗ trợ để có những đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số các doanh nghiệp thuộc UBQLVNN nói riêng và cả Việt Nam nói chung”, ông Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Chính thức khai trương Trục liên thông văn bản UBQLVNN. Ảnh: T.B. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Ngọc Cảnh đã xác định 2 vai trò chính của các doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Thứ nhất, các tập đoàn, tổng công ty phải nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số và khẳng định vai trò dẫn dắt của mình trong chuyển đổi số nền kinh tế.
Thứ hai, các doanh nghiệp công nghệ trực thuộc UBQLVNN phải thực hiện chuyển đổi số cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương và các doanh nghiệp khác.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt về năng lực số như hạ tầng số, phát triển sản phẩm giải pháp số theo lĩnh vực cũng như xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn cao; trong đó, xác định rõ các định hướng chủ yếu. Chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung, muốn vậy phải coi khách hàng, người dân là trung tâm để phục vụ tốt hơn; qua đó, mở rộng được thị trường, tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các tập đoàn, tổng công ty trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 phải có nội dung về thực hiện chuyển đổi số, xác định rõ các nhiệm vụ và kinh phí thực hiện, phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số của công ty mẹ, cơ quan đầu não doanh nghiệp, từ đó tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong toàn bộ các đơn vị thuộc tập đoàn, tổng công ty. Tăng cường triển khai nền tảng dùng chung nhằm tối ưu chi phí đầu tư, đẩy nhanh quá trình triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của UBQLVNN và của các tập đoàn, tổng công ty. Nếu như con người và quy trình gắn với đặc thù của doanh nghiệp, thì chúng ta có thể bắt đầu nền tảng dùng chung ở lĩnh vực hạ tầng, nền tảng, chia sẻ dữ liệu, ứng dụng.
Trục liên thông văn bản UBQLVNN là hệ thống do Trung tâm Thông tin thuộc UBQLVNN phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng và phát triển. Trục được xây dựng theo định hướng mô hình mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II, kết nối vào “Trục liên thông văn bản quốc gia”. 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thông qua Trục liên thông văn bản UBQLVNN để kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, qua đó, có thể liên thông với Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành 4 cấp hành chính trên quy mô toàn quốc. Hệ thống này sẽ giải quyết được bài toán gửi nhận văn bản, đặc biệt là công việc điều hành điện tử xuyên suốt giữa các bộ phận chức năng UBQLVNN và doanh nghiệp trực thuộc. Qua đó, tiết kiệm ngân sách, rút ngắn thời gian thực hiện công việc hành chính, tạo tác động lan tỏa áp lực đối với các tập đoàn, tổng công ty ứng dụng công nghệ, xây dựng văn phòng không giấy tờ. VNPT cũng là đơn vị xây dựng hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử. Thành quả này tiếp tục khẳng định sự phát triển vững mạnh của các doanh nghiệp nhà nước và vai trò tiên phong trong việc dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia. |
TRẦN BÌNH