Theo TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE, cuộc gặp gỡ nhằm tạo không gian gần gũi, cởi mở kết nối các tổ chức, cá nhân yêu môi trường. Dịp này, các đơn vị sẽ chia sẻ những mô hình tái chế, đề án môi trường xanh mà mình đã và đang xây dựng. Các đại biểu, chuyên gia sẽ cùng nhau bàn luận, đề xuất thêm các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường trên cạn và dưới nước.
Tại sự kiện, TS Đỗ Thị Thu Trang, Nhóm trưởng Nhóm Môi trường và phát triển bền vững (Viện IFIRSE, ICISE) cũng đã giới thiệu những mô hình quản lý chất thải rắn, gắn với cộng đồng tiêu biểu tại Việt Nam và thế giới. Qua đó, đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy việc xử lý chất thải rắn, xây dựng các cộng đồng bảo vệ môi trường xanh tại Bình Định.
TS Trang cũng giới thiệu thêm về mô hình “Mạng lưới Change for Green Binh Dinh” với mong muốn tìm sự kết nối, đào tạo chuyên môn, thúc đẩy phong trào yêu môi trường tại địa bàn tỉnh và khu vực lân cận.
Trong đó, ấn tượng các mô hình, gồm: Làng chài Bình Yên - Giải Nhất sáng kiến cuộc thi “Vì một đại dương không rác thải nhựa” của UNESCO 2020; Amore Eco – CLB Môi trường, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn; NNC Recycling Garden - Vườn tái chế được thực hiện bởi người khuyết tật.
Cùng các mô hình Green Club – ĐH Quy Nhơn; nhóm 5Rs Superman Quy Nhơn - là nhóm môi trường của các bạn tiểu học với sự đồng hành của bố mẹ tại Quy Nhơn; nhóm Những bước chân xanh, là một nhóm môi trường được khởi xướng bởi các học sinh của Trường iSchool Quy Nhơn; nhóm Môi trường Maqoor, với đại sứ là đại điện học sinh Trường Chuyên Lê Quý Đôn...
Tại sự kiện, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT tỉnh Bình Định) cũng đã có phát biểu ghi nhận những dự án, ý tưởng, mô hình thúc đẩy bảo vệ môi trường xanh tại Bình Định. Qua đó, đã đưa ra các cam kết sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức để tiếp tục lan tỏa, phát triển các mô hình chống rác thải nhựa, thúc đẩy bảo tồn môi trường xanh trên địa bàn tỉnh.