
- Tiền polymer có ưu điểm vượt trội
- Mức độ tiền giả ở Australia khoảng 5/1 triệu tờ
- Sẽ xử lý nghiêm cán bộ OTK để lọt lỗi đồng tiền 500.000 đồng
- Người có tiền lỗi có thể đổi miễn phí tại ngân hàng
Thời gian gần đây, một số báo liên tục đăng tải thông tin có liên quan đến tiền polymer. Để nhân dân nắm được thực chất tình hình sản xuất, lưu thông tiền polymer, không hoang mang dẫn đến thiếu tin tưởng đối với đồng tiền do nhà nước phát hành, đồng thời tránh những ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia và lưu thông tiền tệ bởi những thông tin thiếu khách quan, thiếu chính xác về công nghệ in, chất lượng của đồng tiền…, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức thông báo như sau:
1- Cơ sở lựa chọn chất liệu giấy nền polymer để in bộ tiền mới

Giao dịch tiền polymer tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Ảnh: VIỆT DŨNG
Giấy nền polymer dùng để in tiền là một sản phẩm công nghệ mới ra đời từ năm 1988 do hãng Securency thuộc Australia sản xuất, có 50% sở hữu thuộc NHTƯ Australia.
Từ đó đến nay đã có 23 nước sử dụng loại giấy nền này để in tiền. Trong đó có 4 nước in toàn bộ các mệnh giá theo thứ tự thời gian là Australia, New Zealand, Rumani và Việt Nam, đặc biệt Rumani đã sử dụng hai bộ tiền polymer. Những nước còn lại in một hoặc một số mệnh giá như Papua New Guinea, Indonesia, Brasil, Mexico, Chile, Malaysia, Singapore…
Nếu so với chất liệu giấy nền cotton ra đời đã mấy trăm năm thì việc giấy nền polymer mới ra đời khoảng 20 năm mà đã có trên 20 nước ứng dụng, chứng tỏ giấy nền polymer có những ưu thế nhất định, đáng được quan tâm.
Việt Nam chưa tự sản xuất được giấy in tiền (cũng như mực in tiền, máy in tiền…), nên có khả năng lựa chọn chất liệu giấy in tiền linh hoạt hơn, không như một số nước đã có nền công nghiệp sản xuất giấy in tiền cotton lâu đời, nếu dùng chất liệu khác thì sẽ rất khó giải bài toán tìm đầu ra cho công nghiệp giấy in tiền cotton truyền thống.
Từ năm 1996, Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm và bắt đầu nghiên cứu, khảo sát về giấy nền polymer. Năm 2001, Ngân hàng Nhà nước đã in đồng tiền lưu niệm 50 đồng bằng giấy nền polymer tại Nhà máy In tiền quốc gia. Qua nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước phân tích ưu, nhược điểm của loại vật liệu này, cụ thể:
- Ưu điểm: không thấm nước, phù hợp với môi trường khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, độ bền đồng tiền cao và qua đó giảm được chi phí in tiền; khả năng chống giả cao hơn tiền giấy cotton; có thể sử dụng các dây chuyền thiết bị in tiền cotton hiện có cho việc sản xuất tiền polymer, cũng như không đòi hỏi phải thay đổi các thiết bị kiểm đếm, tiêu hủy, máy rút tiền tự động (ATM) hiện có.
- Nhược điểm: Chất lượng in, hiệu quả mỹ thuật không tinh tế bằng giấy cotton; khi gấp và siết mạnh thì nếp gấp khó trở lại bình thường, giá thành tiền polymer đắt gần gấp 2 lần tiền giấy cotton, nguồn cung cấp hiện tại chỉ có 1 công ty sản xuất nên dễ dẫn tới độc quyền về giá. Tuy nhiên, hiện nay với xu hướng cạnh tranh trong sản xuất, về giá cả chúng ta có thể quy định những ràng buộc trong hợp đồng dài hạn với bên cung cấp.
Sau khi cân nhắc ưu, nhược điểm của loại vật liệu này, Ngân hàng Nhà nước đề xuất lựa chọn chất liệu polymer để in bộ tiền mới và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2- Về công nghệ in tiền polymer tại Nhà máy In tiền quốc gia

Khách hàng giao dịch tiền polymer tại Ngân hàng Sacombank
Ảnh: VIỆT DŨNG
Về công nghệ, toàn bộ thiết bị in tiền hiện có của Nhà máy In tiền quốc gia đều sử dụng được cho in tiền polymer, tuy nhiên tiền polymer cần có lớp phủ varnish nên cần đầu tư thêm máy in offset có chức năng phủ varnish.
Trên cơ sở hỗ trợ kỹ thuật của đối tác và cam kết của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia, Nhà máy In tiền Australia đã thực hiện đào tạo, chuyển giao công nghệ in tiền polymer cho Nhà máy In tiền quốc gia trên cơ sở công nghệ, kỹ thuật mà nhà máy này đang sản xuất tiền cho chính Australia và nhiều nước khác trên thế giới, chứ không phải là công nghệ đã lạc hậu đến 15 năm như có ý kiến nêu trên báo.
Thực tế cho thấy, không có sự khác nhau về chất lượng giữa tiền 50.000 đồng polymer in tại Australia và in trong nước.
3- Về chất lượng đồng tiền polymer do Việt Nam sản xuất
- Các ý kiến chỉ nhìn vào hiện tượng xấp nước lên đồng tiền rồi chà xát thấy ra mực để cho rằng đồng tiền, nhất là lớp phủ kém chất lượng hoặc thậm chí cho rằng “Tiền polymer gặp nước bị nhòe mực” là không có cơ sở về mặt công nghệ.
Trên thực tế, nếu sử dụng và bảo quản trong điều kiện bình thường thì không thể nhòe mực (mọi người có thể tự kiểm tra). Như Ngân hàng Nhà nước đã giải thích nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên đồng tiền có ứng dụng công nghệ in intaglio (in lõm), tạo nét in nổi ở một số chi tiết (sẽ cảm nhận được khi vuốt nhẹ tay ở các chi tiết này).
Đây là một công nghệ bảo an mà các nước đều ứng dụng trong in tiền. Do sự nhám, ráp của nét in nổi nên khi miết, chà xát khu vực in lõm thì mực in trên tờ tiền bị mài mòn thành bột mực nhỏ; hiện tượng này xảy ra kể cả khi đồng tiền khô hay ướt và đối với đồng tiền của bất kỳ nước nào, dù là tiền cotton hay tiền polymer.
Tuy nhiên, mọi người không nên có hành vi mài, chà xát đồng tiền, bởi đây không phải là hành vi bảo quản, sử dụng đồng tiền thông thường, mà là hành vi hủy hoại đồng tiền; với loại tiền cotton, nếu nhúng nước rồi chà xát nhiều lần thì không những mực in bị mài mòn mà còn làm hỏng cả nền giấy.
- Về việc có đồng tiền kích thước nhỏ hoặc lớn hơn kích thước Ngân hàng Nhà nước thông báo +/- 1mm là dung sai kỹ thuật cho phép (được quy định trong tiêu chuẩn kỹ thuật đồng tiền), không phải do lỗi in ấn. Những đồng tiền cotton đang lưu hành cũng có dung sai kỹ thuật này.
- Độ bền xé của giấy nền polymer đã được kiểm nghiệm cả trên thiết bị thí nghiệm và thực tế. Các đồng tiền polymer còn nguyên vẹn (không bị rách mép, không bị tác động của hóa chất làm hỏng chất liệu giấy nền) không thể bị rách, vỡ khi vò, cuộn. Ý kiến cho rằng “tiền polymer giòn như bánh tráng” là không đúng.
Song cần lưu ý một đặc điểm, khi còn nguyên vẹn, đồng tiền polymer rất khó bị xé rách, nhưng nếu đã có vết cắt, rách ở mép thì khi đó đồng tiền cũng sẽ dễ bị rách với tác động nhẹ. Tuy nhiên, qua việc thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua cho thấy những đồng tiền polymer bị rách do bảo quản là rất ít.
- Về việc, một đồng tiền 500.000 đồng không có chi tiết mực đổi màu (OVI), sau khi kiểm tra cụ thể hiện vật, Nhà máy In tiền quốc gia đã khẳng định đây là tờ tiền bị lỗi trong quá trình in.
Tuy nhiên, trường hợp này không phải là lỗi hệ thống hoặc công nghệ, mà là sản phẩm hỏng mang tính cá biệt (trong sản xuất công nghiệp, không tránh khỏi có sản phẩm hỏng). Do khâu kiểm tra chất lượng, cán bộ OTK của nhà máy đã để lọt trường hợp này.
Về nguyên tắc, người có tờ tiền này được đổi miễn phí tại các ngân hàng, Kho bạc Nhà nước. Nhà máy In tiền quốc gia sẽ xem xét để xử lý nghiêm túc về trách nhiệm đối với những người có liên quan trong kiểm tra chất lượng sản phẩm của nhà máy.
4- Về khả năng chống giả của bộ tiền polymer
- Đồng tiền mới được thiết kế với kỹ thuật chống giả cao hơn những đồng tiền cotton đang lưu hành.
Ngoài các yếu tố bảo an tương tự như đồng tiền cũ, trên đồng tiền mới còn ứng dụng nhiều yếu tố bảo an khó làm giả, dễ kiểm tra nhận biết, như: yếu tố hình ẩn (DOE), số dập nổi trong cửa sổ trong suốt (chỉ ứng dụng được trên giấy nền polymer), yếu tố Iriodin (dải màu vàng lấp lánh); các công nghệ chống giả trong mực in (mực đổi màu, mực không màu phát quang dưới đèn cực tím có chất lượng cao…); yếu tố chống giả qua công nghệ chế bản, công nghệ in cũng được tăng cường (hình ẩn nổi...). Các yếu tố này, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo cụ thể và rộng rãi khi phát hành đồng tiền vào lưu thông.
- Việc sau một năm phát hành vào lưu thông, đồng tiền polymer bắt đầu bị làm giả (in bằng giấy thường) và vừa qua xuất hiện loại tiền giả in bằng giấy ni-lông không nằm ngoài nhận định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an (tiền giả không loại trừ bất kể quốc gia nào, thông thường đồng tiền cotton của nhiều nước cũng bị làm giả sau khi phát hành khoảng 6 tháng).
Thực tế, từ khi phát hành bộ tiền mới, cùng với những kết quả trong đấu tranh với tội phạm buôn bán tiền giả của các cơ quan công an, bộ đội biên phòng…, tình hình tiền giả trong lưu thông đã giảm xuống.
Cụ thể, số lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước (một chỉ số cơ bản để đánh giá mức độ về tiền giả trong lưu thông) đã giảm đáng kể.
Nếu như từ năm 2000 đến năm 2004, số lượng tiền giả thu giữ được luôn gia tăng, thì tiền giả thu giữ trong năm 2005 đã giảm 22,48% so với năm 2004; 8 tháng đầu năm 2006 giảm 71,21% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó tiền giả tiền polymer chiếm 15% trong tổng số tiền giả thu giữ. Tỷ lệ tiền giả polymer trên 1 triệu tờ tiền trong lưu thông năm 2005 là 0,1 tờ đối với loại 500.000 đồng; 4,2 tờ đối với loại 100.000 đồng; 2,94 tờ đối với loại 50.000 đồng.
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Australia thì hơn 10 năm qua, mức độ tiền giả polymer bình quân khoảng 5 tờ trên 1 triệu tờ tiền trong lưu thông, trong khi đó tỷ lệ này ở các nước sử dụng tiền cotton là: với tiền euro mệnh giá 20EUR năm 2005 là 63/1 triệu tờ, mệnh giá 50EUR là 103 tờ, mệnh giá 100EUR là 43 tờ, mệnh giá 200EUR là 141 tờ,...; ở Canada tỷ lệ này tùy mệnh giá dao động từ 72 tờ lên 232 tờ; ở Anh từ 12 đến 438 tờ; ở Việt Nam, tiền giả cotton mệnh giá 100.000 đồng ở mức 169 đến 416 tờ, loại 50.000 đồng từ 106 đến 370 tờ...
- Tiền giả polymer, kể cả loại tiền giả in trên giấy ni-lông mới xuất hiện vừa qua không có các yếu tố bảo an, như yếu tố DOE, Iriodin, in lõm, hình ẩn nổi, mực đổi màu, mực phát quang...; các đặc điểm làm giả khác dễ nhận biết nếu quan sát cẩn thận.
Tiền giả in bằng giấy ni-lông thông thường nên khi kéo nhẹ ở mép, tờ tiền giả dễ bị bai dãn hoặc rách và làm bong mực in; đây là đặc điểm dễ phân biệt với giấy nền polymer sử dụng trong in tiền.
- Đánh giá về khả năng chống giả của tiền polymer Việt Nam, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an năm 2005 đã nêu rõ: “So sánh với các mệnh giá tiền cotton cũ của Việt Nam và các loại tiền cotton của các nước trong khu vực, tiền polymer 50.000 đồng, 100.000 đồng và 500.000 đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những ưu điểm vượt trội cả về chất liệu, công nghệ in ấn và khả năng chốâng giả”.
Xét cả trên giác độ công nghệ và thực tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định các đồng tiền polymer có khả năng chống giả cao hơn các đồng tiền cotton đang lưu hành, góp phần hạn chế tình trạng tiền giả trong lưu thông, bảo vệ tốt hơn lợi ích của nhân dân và an ninh tiền tệ quốc gia.
- Ý kiến cho rằng giấy nền polymer không có gì đặc biệt, không phải là giấy đặc chủng nên dễ làm giả là không đúng. Hơn nữa ý kiến này lại mâu thuẫn với chính ngay quan niệm về sự lệ thuộc vào một hãng sản xuất duy nhất. Nếu giấy polymer dễ sản xuất thì không có lý do gì đến hơn 20 nước, trong đó có Việt Nam, lại phải mua từ một hãng độc quyền là Securency.
5- Về một số chi tiết chưa thống nhất trên đồng tiền hoặc giữa các mệnh giá trong bộ tiền mới
Ngoài chi tiết không có dấu chấm cách ở cụm số “10000” ở góc trên bên phải mặt trước đồng tiền 10.000 đồng mà lỗi là do khâu chế bản, tuy không ảnh hưởng đến độ bảo an, đến chất lượng đồng tiền và không gây nhầm lẫn về mệnh giá nhưng Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo nhận trách nhiệm và nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, thì giữa các đồng tiền còn có một số chi tiết chưa thống nhất, như dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1890-1969” dưới chân dung Bác Hồ, sự khác biệt về kích thước, màu sắc; sự khác nhau về các họa tiết; về hình dáng, kích thước cửa sổ trong suốt hoặc có mệnh giá chỉ có một cửa sổ…
Những sự khác biệt này hoặc là không thuộc quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc phải áp dụng cho mọi mệnh giá; hoặc là đã được xác định là cần thiết và được phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiêm túc xem xét để bổ cứu những điểm cần thiết để khi thiết kế, sản xuất những sêri mới trong tương lai sẽ tránh được những sơ suất, khác biệt không nên có, làm cho đồng tiền có tính chuẩn mực cao hơn.
6- Về vấn đề đảm bảo an ninh tiền tệ đối với các mẫu tiền chế bản tại nước ngoài
Đối với bộ tiền cotton đang lưu hành, Ngân hàng Nhà nước cũng thuê chế bản tại nước ngoài, gồm tất cả các đồng tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở lên. Năm 1997, Nhà máy In tiền quốc gia đã nhập thiết bị chế bản khi chưa có dự án in tiền polymer (nhưng vẫn chưa làm chủ được công nghệ chế bản).
Trong Đề án in tiền polymer, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép thực hiện theo phương thức thuê nước ngoài chế bản cả bộ tiền để kết hợp chuyển giao công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ chế bản in tiền.
Tuy vậy, sau khi chế bản 4 mẫu ở nước ngoài, Nhà máy In tiền quốc gia đã tự chế bản được hai mẫu loại 20.000 đồng, 10.000 đồng ở trong nước.
Để đảm bảo an ninh tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu đối tác cam kết bằng văn bản về việc bảo mật toàn bộ thông tin; việc đưa mẫu đi chế bản và đưa chế bản về nước luôn có cán bộ an ninh đi cùng; các tư liệu liên quan đến chế bản được hủy bỏ toàn bộ sau khi hoàn thành, không thể có chế bản được lưu giữ ở nước ngoài (khi tiêu hủy có sự chứng kiến của cán bộ Ngân hàng Nhà nước, Nhà máy In tiền quốc gia, và Bộ Công an).
Trên thực tế, nhiều nước không chỉ mua giấy, mực in tiền, thuê chế bản…, mà còn thuê in toàn bộ tiền ở nước ngoài (tiền Việt Nam trước đây cũng được in ở nước ngoài). Đối tác chế bản mẫu tiền cho Việt Nam cũng đang chế bản, in tiền cho nhiều nước và được đánh giá là một đối tác tin cậy.
7- Về chi phí in tiền polymer
Như đã đề cập ở phần trên, khi xây dựng đề án, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo, giá thành tiền polymer đắt gần gấp 2 lần so với giá thành tiền giấy cotton đang lưu hành.
Thực tế, giá thành tiền polymer mà liên Bộ Tài chính – Ngân hàng Nhà nước duyệt trong các năm qua, sau khi loại trừ yếu tố thay đổi tỷ giá ngoại tệ để mua các vật liệu chính là giấy và mực in thì giá thành tiền polymer xấp xỉ 2 lần giá thành tiền cotton cùng mệnh giá.
Chênh lệch giá thành như trên không phải chỉ do sử dụng giấy nền polymer, mà còn do trong đồng tiền mới có tăng cường thêm nhiều yếu tố bảo an mà trên đồng tiền cotton đang lưu hành không có (nếu trường hợp Việt Nam sử dụng tiền cotton cho bộ tiền mới nhưng có tăng cường thêm một số yếu tố bảo an thì giá thành cũng xấp xỉ gấp 2 lần hoặc cao hơn).
Tuy nhiên, để đánh giá chi phí in tiền còn phải xem xét đến độ bền của đồng tiền trong lưu thông. Thực tế ở các nước, tiền polymer có tuổi thọ cao hơn tiền cotton 3 – 4 lần; đối với Việt Nam, qua phân tích các mẫu tiền polymer sau gần 3 năm lưu hành, cũng sẽ có tuổi thọ gấp khoảng 3 lần tiền cotton.
Như vậy, xét trong dài hạn thì chi phí in tiền polymer chỉ bằng khoảng 66% chi phí in tiền nếu tiếp tục sử dụng bộ tiền cotton hiện nay.
Ngoài ra, có những thông tin về tình hình tổ chức cán bộ của Nhà máy In tiền quốc gia, như cho rằng, có sự trù dập cán bộ hoặc có trường hợp “bị chết đột ngột” do có “ý kiến” về tiền polymer; Ngân hàng Nhà nước thì trù dập, hoặc điều làm việc khác những cán bộ, nhân viên có ý kiến ngược lại với chủ trương dùng tiền polymer. Ngân hàng Nhà nước khẳng định đây là những thông tin hoàn toàn sai sự thật.
- Từ tháng 5-2002, ông Nguyễn Hữu Lương được cử làm Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ thay ông Đỗ Khắc Hải đi nhận công tác mới. Từ cuối năm 2005, ông Lương được cử làm Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho đến nay.
- Ông Nguyễn Tất Huynh là Phó Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ từ năm 2000 đến nay.
- Trường hợp ông Hà Việt Hùng, nguyên Phó trưởng phòng Nghiệp vụ phát hành, Cục Phát hành và Kho quỹ, được cử tham gia giúp việc Ban Điều hành Đề án, là người rất có trách nhiệm và tâm huyết với công việc, được lãnh đạo và anh em tín nhiệm.
- Riêng ông Đào Quốc Tính, nguyên Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tổng kiểm soát, là người có phản ánh đầu 2006 với Thống đốc về một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện Đề án in tiền polymer.
Nhưng sau khi được một số đồng chí có trách nhiệm làm việc, giải thích rõ các nội dung liên quan đến đề án, ông Tính đã chủ động có văn bản báo cáo Thống đốc xin rút lại ý kiến của mình.
Việc ông Tính được điều động làm Phó giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là do khi Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước quyết định điều động ông Ngô Bá Lại, nguyên Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước về làm Vụ trưởng Vụ Tổng kiểm soát thì ông Tính xin chuyển sang đơn vị khác và đã được Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.