Một vài năm trước, nhà cung cấp dịch vụ phát thanh trực tuyến này thêm một định dạng podcast. Động thái này đã khiến dịch vụ này trở thành một tập đoàn giải trí bằng âm thanh có một phần dịch vụ âm nhạc, một phần hãng tin tức, một phần là cuộc họp. Đó cũng là lý do Spotify hấp dẫn giới nghệ sĩ.
Tuy nhiên, mới đây, Neil Young (ảnh) đã gây bão trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc và trên mạng xã hội khi yêu cầu xóa nhạc của mình - bao gồm cả những tác phẩm rock kinh điển như Heart of Gold và Cinnamon Girl - khỏi Spotify. Nghệ sĩ này phản đối Joe Rogan, ngôi sao podcast của công ty, người đã bị chỉ trích vì quảng bá thông tin sai lệch về virus Corona và vaccine.
Điều này gây ra cuộc tranh luận lớn quanh chủ đề tự do ngôn luận, vì đây là trường hợp hiếm hoi một nhạc sĩ hàng đầu tỏ rõ lập trường, cho dù ảnh hưởng đến lợi nhuận. Young cho biết, 60% thu nhập phát trực tuyến của mình đến từ Spotify.
Tiếp bước sau Young là Joni Mitchell, một biểu tượng âm nhạc khác có tầm ảnh hưởng văn hóa lớn. Sau đó, ca sĩ R&B India.Arie và 2 nhạc sĩ guitar Nils Lofgren và Graham Nash - thông báo cũng sẽ rút nhạc của mình khỏi Spotify.
Theo tờ New York Times, cho đến nay, tác động thương mại của cuộc tranh cãi vẫn chưa rõ ràng. Chỉ biết nhiều người dùng lên mạng xã hội tuyên bố đã hủy đăng ký. Trong tập The View mới đây trên ABC, Joy Behar đã kêu gọi các ngôi sao trẻ hơn như Taylor Swift chọn phe.
Hành động của Young cũng kéo theo các phản ứng mạnh từ chính các nhân vật thực hiện podcast trên Spotify. Người xóa các tuyên bố của những nhân vật được cho là có phát ngôn đi ngược lại lời các chuyên gia sức khỏe cộng đồng, người thì tuyên bố dừng chương trình cho đến khi có thông báo mới.
Về phía Spotify, sau khi hầu hết nhạc của Young và Mitchell bị gỡ xuống, Daniel Ek, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Spotify, đã công bố các quy tắc nền tảng của dịch vụ và cho biết, Spotify sẽ gắn cờ “tư vấn nội dung” trên các tập podcast về đại dịch. Trong một video, Rogan hứa sẽ “cân bằng” hơn trong chương trình của mình, đồng thời khẳng định mình là fan Young và Mitchell.
Đối với những người theo dõi Spotify lâu năm, sự kiện Young là căng thẳng mới nhất trong mối quan hệ phức tạp và thường xuyên rắc rối của công ty với các nghệ sĩ. Phần lớn rắc rối đó liên quan đến tiền bạc. Vào năm 2014, Swift đã xóa toàn bộ danh mục của mình khỏi Spotify, với lý do là hình thức “freemium” không công bằng đối với các nghệ sĩ.
Đây là mô hình hỗ trợ quảng cáo, cho phép người dùng nghe miễn phí và yêu cầu đăng ký trả phí để xóa quảng cáo kèm các đặc quyền khác. Gần đây, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng về điều mà họ cho là không công bằng của mô hình phát trực tuyến nói chung, phần lớn liên quan tới Spotify và YouTube.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Midia Research, tính năng phát trực tuyến hiện chiếm 84% doanh thu bán hàng tại Mỹ và Spotify có 172 triệu người đăng ký trả phí - chiếm khoảng 31% tổng số trên toàn thế giới, cao hơn gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là Apple Music.
George Howard, Phó giáo sư tại Đại học Âm nhạc Berklee ở Boston và là cựu giám đốc điều hành thu âm và nhạc kỹ thuật số cho rằng, điều đó đã khiến Spotify trở thành đối tác tài chính quan trọng của các công ty thu âm và là “kẻ thù cần thiết” đối với các nghệ sĩ. “Cho dù họ thích hay không thích các giá trị của Spotify, nhưng các nhãn hàng đều cảm thấy vui mừng khi dòng tiền đã chảy về tay họ”.
Sẽ khó có việc hàng loạt nghệ sĩ rời bỏ dịch vụ, đặc biệt là các nghệ sĩ mới nổi, vì Spotify đóng vai trò chính trong việc truyền nhạc và thúc đẩy nhiều hoạt động kinh doanh khác của họ, chẳng hạn như lưu diễn. Nghệ sĩ cũng có ràng buộc với các công ty thu âm, nơi thực hiện các thỏa thuận cấp phép các dịch vụ trực tuyến như Spotify. Như trường hợp của Young, tuy biết sẽ khó có nhiều nghệ sĩ đứng lên, nhưng Young vẫn “thực sự hy vọng các nghệ sĩ khác sẽ hành động”.