Trong khi đó, khu vực hạ lưu sông Cửu Long vừa hứng một đợt triều cường vượt mức lịch sử và kéo dài, cộng với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra không theo một quy luật nào, khiến cư dân miền châu thổ Cửu Long không khỏi lo lắng.
Lo lắng đầu tiên là hạn và mặn năm nay sẽ đến sớm và khốc liệt hơn mọi năm. Theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mặn mùa khô 2019-2020 có khả năng xuất hiện sớm so với năm 2018-2019 khoảng 10-30 ngày, và sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 tháng (tùy vùng). Từ tháng 12-2019, mặn có khả năng ảnh hưởng các cống lấy nước phạm vi cách biển đến 30-35km. Sang tháng 1 và tháng 2-2020, ranh mặn 4g/l có khả năng lấn sâu vào nội địa 45-55km (tùy cửa sông); hầu hết các huyện ven biển sẽ bị nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong khi đó, diễn biến khô hạn sẽ phức tạp hơn do thiếu nước nghiêm trọng. Hạn hán có mức tác động rất lớn về kinh tế - xã hội, môi trường và trên phạm vi không gian rộng, cần có nỗ lực lớn và thời gian dài mới có thể khắc phục được hậu quả của hạn hán.
Nước lũ thấp, ít phù sa cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở tại ĐBSCL. Khu vực này hiện có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài 786km và mỗi năm mất từ 300 - 500 ha đất. Tại Đồng Tháp, nơi có 123 km sông Tiền chạy qua, thì đã có đến 101 km bờ sông bị xói lở. Từ năm 2005 đến 2018, Đồng Tháp mất trên 322 ha đất do nước cuốn trôi; phải di dời trên 8.000 hộ dân, và hiện vẫn còn trên 6.000 dân đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi an toàn. Còn lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, từ năm 2007 đến nay, Cà Mau mất gần 9.000 ha rừng phòng hộ ven biển do sạt lở. Đê biển Tây có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão. Đáng chú ý, dự báo năm 2020 lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm từ 60 - 65% so với năm 2017; đến năm 2040, lượng phù sa sẽ chỉ còn 3 - 5%. Thiếu hụt phù sa sẽ dẫn đến giảm sự bồi lắng và tiếp tục gây sạt lở. Đó là chưa kể các đợt triều cường mạnh sẽ diễn ra từ nay đến đầu năm 2020.
Có thể thấy, ĐBSCL đang phải đối diện nhiều thách thức, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Vì thế, việc tìm ra những giải pháp cho toàn vùng là vấn đề rất lớn. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, đã triển khai thực hiện gần 2 năm, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn quá chậm so với diễn biến thực tế đang đòi hỏi. Đến thời điểm hiện tại, ĐBSCL vẫn thiếu hồ chứa nước ngọt tự nhiên; chưa có hệ thống phân tích, dự báo, cảnh báo hạn hán, mặn xâm nhập. Thậm chí, đợt triều cường khốc liệt vừa qua, các dự báo đều không tiệm cận với thực tế; hay như sạt lở bờ sông, bờ biển, các giải pháp hiện tại chỉ mang tính đối phó.
Là một trong số ít đồng bằng lớn trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, như các chuyên gia đã phân tích, thách thức của ĐBSCL chủ yếu là sự hạn chế của tư duy, mô hình phát triển, của công tác quy hoạch, kế hoạch, hạn chế của những cơ chế, chính sách hiện nay đối với ĐBSCL và thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các hoạt động trên thượng nguồn sông Mê Công. Điều này đang và sẽ đe dọa quá trình phát triển; sinh kế và đời sống người dân, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực. Lợi thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL đang dần mất đi; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân. Đó là những vấn đề thúc bách từ vùng đất này, cần sự triển khai mạnh mẽ và quyết liệt hơn các kế hoạch, chủ trương, giải pháp mà Chính phủ đã đề ra!