Hàng rong bủa vây
Vào giờ tan học, rảo qua các trường học trên địa bàn TPHCM, không khó để bắt gặp những xe đẩy hàng rong bày bán, chế biến thực phẩm ngay trên vỉa hè, lòng đường đầy khói bụi. Trước cổng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), hàng loạt xe hàng rong lưu động xếp hàng trên vỉa hè để phục vụ các “thượng khách” nhí.
Ở đây có đủ các món, từ bánh tráng trộn, cá viên chiên, khô bò, cho đến các loại nước giải khát, bánh kẹo với nhiều hình thù, màu sắc bắt mắt. Rất nhiều thực phẩm và phụ gia không có nhãn mác, không có hạn sử dụng, nhà sản xuất, thành phần…, nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng. Do được bán với giá tương đối rẻ nên những món hàng rong này thu hút được nhiều học sinh chọn mua.
Trước cổng nhiều bệnh viện ở TPHCM như Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương… xuất hiện các gánh hàng rong, sạp bán với đủ loại đồ ăn chín, trái cây… bắt mắt, giá rẻ và chất lượng thì không ai dám bảo đảm! Hàng ngày, có rất đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ăn uống tại các gánh hàng rong trước cổng bệnh viện.
Ghi nhận của PV cho thấy, hàng loạt hàng quán, xe bán hàng rong “mọc” lên ở khu vực xung quanh cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, người bán hàng chế biến đồ ăn ngay dưới lòng đường và không được che đậy cẩn thận.
Phần lớn những xe đẩy bán hàng rong ở khu vực xung quanh cổng các bệnh viện đều chế biến thực phẩm ngay trên vỉa hè, lòng đường đầy khói bụi, không đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người dùng.
Tác động xấu đến sức khỏe
Theo các chuyên gia y tế, thực phẩm được bày bán, chế biến trên vỉa hè, phần lớn không đảm bảo an toàn vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Trong đó, bao gồm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cơ sở sản xuất không uy tín, không giấy phép sản xuất, kinh doanh, hay sản phẩm không còn hạn sử dụng, bảo quản không tốt hoặc thực phẩm chưa qua kiểm định thú y (đối với trứng, thịt…).
Ngoài ra, thành phần thực phẩm không cân đối các chất dinh dưỡng, sử dụng nhiều chất không tốt cho sức khỏe như chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu với liều lượng không đúng quy định.
Xe đẩy bán hàng rong ở trước cổng Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM. Ảnh: KIM HUYỀN |
Bác sĩ Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, cho biết, thức ăn trôi nổi có nguy cơ chứa nhiều chất phụ gia, phẩm màu nhằm kích thích vị giác người dùng, đặc biệt là nhắm vào các đối tượng như học sinh, sinh viên.
Do chứa các thành phần không tốt cho sức khỏe nên khi sử dụng, những thực phẩm này dễ khiến cơ thể bị thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng (đạm, bột đường, vitamin, khoáng chất…), làm dư thừa năng lượng các chất dinh dưỡng (béo, đường, muối…).
Bên cạnh đó, sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn còn gây ra nguy cơ nhiễm độc cấp tính, mạn tính và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng dinh dưỡng của cơ thể.
“Trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng giảm, đặc biệt là miễn dịch tại đường tiêu hoá kém, khi ăn thực phẩm không an toàn hay kém chất lượng, nguy cơ nhiễm độc thực phẩm cao hơn người khỏe mạnh. Có tình trạng kém hấp thu các chất dinh dưỡng do thực phẩm kém chất lượng, thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng”, bác sĩ Kim Loan thông tin.
Theo Luật sư Nguyễn Sỹ Thắng, Giám đốc Công ty Luật Risk Free TPHCM, hàng rong lấn chiếm vỉa hè và lòng đường là vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và sẽ bị xử phạt hành chính nếu bị phát hiện vi phạm. Ngoài ra, việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong kinh doanh là điều kiện phát sinh trách nhiệm pháp lý, tùy mức độ và tính chất mà cơ quan chức năng sẽ xử lý theo trách nhiệm hành chính, dân sự hay hình sự.