Sau hơn 5 năm Nghị quyết 120/NQ-CP đi vào cuộc sống, chính quyền địa phương và người dân miền Tây đã và đang từng bước xây dựng những mô hình sản xuất “thuận thiên”, tạo sinh kế phát triển bền vững.
Tháng 3-2023, cao điểm mùa khô, nước mặn lấn sâu vào các cửa sông khoảng 40-50km. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân, giờ chuyện nước mặn xâm nhập sâu là chuyện bình thường, bởi họ đã có kinh nghiệm và chủ động với các mô hình sản xuất để giữ sinh kế trong mùa hạn mặn.
Tích nước ngọt, né nước mặn
Hơn 20 năm trước, nông dân miền Tây phải xuống giống sớm vụ lúa hè thu để né lũ từ dòng Mê Công về vào tháng 8. Nay người dân miền Tây đã bắt đầu tích nước ngọt, chủ động né mặn xâm nhập cục bộ trong mùa khô hạn. Những ngày cuối tháng 3-2023, người dân trồng cây ăn trái các tỉnh như Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng... đã sẵn sàng ứng phó với chuyện nước mặn xâm nhập theo con nước lớn. Nhà vườn nào cũng đã nhận ra việc theo dõi độ mặn, đào mương tích nước ngọt, tưới tiêu cho cây ăn trái là điều cốt lõi giữ sinh kế.
Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã cẩn thận nạo vét các mương quanh vườn và đắp lại các đập lấy nước để trữ nước ngọt khi cần thiết. Bà Huệ chia sẻ: “Gia đình có 5.000m2 đất trồng sầu riêng, là nguồn thu nhập chính nên rất cẩn thận khi nước mặn có nguy cơ xâm nhập. Ngoài nạo vét mương trữ nước ngọt, gia đình cũng giữ lại lớp cỏ dưới chân gốc để giữ ẩm cho cây sầu riêng trong giai đoạn nắng nóng hiện nay, dùng màng nhựa để bịt các đập lấy nước trong vườn không để thất thoát nước ngọt”.
Sầu riêng là loại cây mẫn cảm với nước mặn nên nhà vườn rất cẩn thận chăm sóc. Cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) nằm giữa sông Tiền là nơi có gần 100% diện tích đất nông nghiệp trồng cây sầu riêng chuyên canh. Ngoài áp lực nước mặn từ sông Tiền lấn vào, địa phương này còn bị nước mặn đe dọa từ sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre) tràn qua. Ông Nguyễn Tấn Nhũ, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, cho biết, xã đã chủ động nguồn nước với các cống đập và 8 giếng dự phòng. Nếu mặn xâm nhập, xã sẽ đóng các cống rồi vận hành các giếng, bơm cấp vào các tuyến kênh để người dân sử dụng nước tưới. Ngoài ra, xã còn 2 cống chưa kín, nếu có mặn, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí đóng kín.
Tại Vĩnh Long, khi nước mặn 4‰ lấn vào các tuyến sông, hệ thống thông báo CMS đã gửi đến tận ấp, khóm và hệ thống đê bao khép kín được kích hoạt để “chắn dòng nước mặn” cục bộ. Như cù lao Ngũ Hiệp (Tiền Giang), xã cù lao Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) nằm trên dòng Cổ Chiên, sinh kế của người dân ở đây trông cậy vào cây sầu riêng. Theo nhiều nhà vườn, trung bình mỗi công đất trồng sầu riêng, nông dân thu lợi từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
Ông Phẩm Văn Tiếu, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng ở ấp Lăng, xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), vừa bán sầu riêng được 45 triệu đồng. “Cả ngày và đêm, nhất là trước khi tưới cây, tôi luôn cập nhật thông tin. Nếu mặn lên cao thì sẽ bí bọng trước để lấy nguồn nước ngọt tưới tiêu trong vườn. Nhà vườn có máy đo độ mặn, khi tưới hoặc phun trên bông, trái đã thành thạo đo độ mặn trước”, ông Tiếu chia sẻ. Tổ hợp tác trồng sầu riêng ở cù lao Thanh Bình có 44 hộ tham gia 250 công đất trồng sầu riêng, năng suất trung bình khoảng 2 tấn/công. Nước mặn xâm nhập không còn là nỗi lo của nhà vườn bởi có hệ thống trữ nước ngọt trong mương vườn, thông tin cảnh báo được cập nhật thường xuyên cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt là những công trình cống đập ngăn mặn của tỉnh và huyện quản lý đã phát huy hiệu quả từ nhiều năm nay.
Đắp đập ngăn mặn trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NGỌC PHÚC |
Theo Phòng NN-PTNT huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), nhờ hệ thống đê bao khép kín cùng với việc nhà vườn ý thức bảo vệ vườn cây, nên trong những năm gần đây, huyện Vũng Liêm đã chủ động và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt của người dân. Dù trên địa bàn đã đo độ mặn lên khoảng 5‰ nhưng đến giờ này cây trái vẫn chưa bị thiệt hại gì.
Đưa hoa màu xuống chân ruộng
Đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử xảy ra vào năm 2016, rồi năm 2020, luôn ám ảnh hàng ngàn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL. Khi ấy, nhiều cánh đồng một màu vàng úa, mặt ruộng trắng xóa, đất nứt, kênh rạch khô cạn trơ đáy… Nhiều gia đình không trụ được vì nợ nần đã phải đóng cửa, tha hương kiếm kế sinh nhai ở các thành phố. Ông Đỗ Quang Thảo (40 tuổi, nông dân tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) kể lại: “Lúc đó, lúa vừa trổ đòng đòng, đang ngậm sữa chuẩn bị cho hạt thì mặn bất ngờ tấn công, gia đình trắng tay, nợ nần bủa vây”.
Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, cho biết, trước đây, để ngăn chặn việc bà con xuống giống lúa vụ 3, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, khuyến cáo. Thế nhưng, người dân vẫn làm theo thói quen, phớt lờ cảnh báo. Đến khi nhận “trái đắng” từ các đợt hạn mặn năm 2016 và 2020, nhận thức của bà con đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Cụ thể, từ hơn 16.000ha diện tích lúa vụ 3 trên địa bàn huyện, giờ chỉ còn lác đác vài hộ xuống giống theo kiểu cũ. Từ việc người dân nhận thức tốt hơn về tác động tiêu cực của hạn mặn mà trên địa bàn huyện Long Phú đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất thích ứng BĐKH. Tiêu biểu là việc chuyển đổi canh tác lúa vụ 3 không hiệu quả sang mô hình “đưa màu xuống chân ruộng”, mang lại lợi nhuận kinh tế gấp nhiều lần lúa.
Chúng tôi về lại xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng trong cái nắng nóng, hanh khô những ngày cuối tháng 3. Trước mắt chúng tôi là những ruộng dưa leo xanh mơn mởn, chi chít trái. Anh Huỳnh Thanh Cần, nông dân trồng dưa leo tại đây, cho biết: “Thay vì xuống giống vụ 3 hoặc phải bỏ đất trống như trước đây, mấy năm nay tôi đã chuyển sang trồng dưa leo trong lúc nông nhàn. Tận dụng lúc mặn chưa lên, tôi trữ nước ngọt lại trong mương rãnh, đồng thời áp dụng cách tưới tiêu tiết kiệm nên yên tâm canh tác. Dù có cực hơn trồng lúa, nhưng cây dưa leo cho thu nhập cao hơn gấp 7-8 lần. Với 2.000m2 dưa, năng suất trái đạt thì mỗi ngày tôi có thể hái được 800-900kg, nếu giá dưa leo 10.000 đồng/kg sẽ thu về 8-9 triệu đồng/ngày. Như vậy, mỗi vụ dưa sẽ cho thu nhập trên 140 triệu đồng, trừ chi phí thì còn lãi từ vài chục đến cả trăm triệu đồng”.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Long Phú, toàn huyện có hơn 150ha cây hoa màu được đưa xuống chân ruộng nhằm “thế chân” cây lúa ở vụ 3. Mô hình “đưa màu xuống chân ruộng” đang tiếp tục được người dân tích cực hưởng ứng, mở rộng diện tích canh tác với nhiều loại giống cây trồng như dưa leo, bắp, các loại bí… giúp chủ động thích ứng với điều kiện sản xuất trong mùa khô hạn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cách đây 7 năm (tháng 3-2016), Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cùng nhiều nhà khoa học đã nhóm “họp khẩn” để cảnh báo về trận hạn mặn lịch sử tại ĐBSCL. Giờ nhìn lại một chặng đường Nghị quyết 120/NQ-CP đi vào thực tiễn, Th.S Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ: “Thích ứng với BĐKH có 2 cách: một là, kiên quyết chống lại với sự thay đổi; hai là, thay đổi mình để thuận theo hoàn cảnh mới. Nghị quyết 120/NQ-CP chọn phương pháp thứ hai thông minh hơn và có vài nguyên tắc lớn: một là, thuận thiên tôn trọng quy luật tự nhiên và tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; hai là, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển hướng nền nông nghiệp từ nền nông nghiệp thuần túy chạy theo số lượng sang làm kinh tế nông nghiệp. Cả chính quyền và nông dân đã và đang thích ứng với điều này.