Sạt lở, sụp lún nghiêm trọng, thậm chí cảnh báo nguy cơ ĐBSCL “đang chìm” đã được các nhà khoa học đưa ra khi lượng phù sa từ dòng Mê Công nằm lại ở các đập thủy điện. Mỗi năm, con số thống kê thiệt hại do sạt lở, sụp lún ở ĐBSCL đều tăng. Các địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu… gần như “luân phiên” thay nhau ban bố khẩn cấp do sạt lở bờ sông.
Trung tuần tháng 9-2020, thông tin về tình hình tuyến đê biển Tây ở Cà Mau bị sụp lún, sạt lở nghiêm trọng liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Hàng ngàn gia đình ở huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh sống cặp theo tuyến đê biển Tây Cà Mau dài khoảng 108km luôn nơm nớp lo. Tại An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang… sạt lở cứ diễn ra liên tục, triền miên. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, ĐBSCL hiện có trên 500 điểm sạt lở kéo dài theo khoảng 520km bờ sông, trên 50 điểm sạt lở dọc theo chiều dài 266km bờ biển. Trong đó, gần 100 điểm sạt lở bờ sông và bờ biển đang trong tình trạng rất nguy hiểm. Ít nhất diện tích rừng ĐBSCL đã mất hơn 28.000ha trong gần 20 năm qua.
Các nhà khoa học trong và ngoài nước chuyên nghiên cứu về ĐBSCL đã chỉ ra: ĐBSCL “đang chìm” khi đất đang sụp lún 2,5cm mỗi năm, lượng phù sa giảm nghiêm trọng. Đây là mối đe dọa có tính sống còn với khu vực và người dân nơi đây. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định: “ĐBSCL đang đối diện với các thách thức: Phát triển thiếu bền vững và tác động của các đập thủy điện trên dòng Mê Công. Trong đó, tác động nghiêm trọng và cần ứng phó cấp bách nhất hiện nay là sạt lở và sự sụp lún đất. Cùng với nước biển dâng thì tình trạng đồng bằng đang bị chìm là hai vấn đề đáng lo nhất hiện nay”. ĐBSCL lâu nay được bồi đắp từ phù sa theo dòng Mê Công, tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nước về ĐBSCL luôn ở mức thấp. Mùa lũ năm 2020, lũ về muộn và nguồn nước từ dòng Mê Công đổ về không đáng kể. Đây cũng là nguyên nhân lý giải những bãi bồi hàng năm ở Cà Mau biến mất và tình trạng sạt lở, sụp lún ngày càng gia tăng khốc liệt.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động rất lớn đến châu thổ. Chính vì vậy, các địa phương đã quyết liệt thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Trong 2 năm gần đây, dù Chính phủ đã chi hàng ngàn tỷ đồng để ĐBSCL khắc phục và làm đê kè chống sạt lở nhưng các địa phương vẫn “khát vốn”. Cụ thể năm 2020, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ, xin hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở, di dời dân vùng sạt lở cấp bách… với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Tình trạng “xin vốn” khắc phục sạt lở, sụp lún cũng diễn ra tương tự ở nhiều địa phương trong vùng.
Các nhà khoa học cảnh báo về nguy cơ một phần diện tích bán đảo Cà Mau sẽ thấp hơn nước biển trong 30 năm tới. Nguyên nhân là do khai thác nguồn nước ngầm quá mức. Nếu không sớm kiểm soát và quản lý hiệu quả việc khai thác nước ngầm, tình trạng sụp lún, ngập úng, xâm nhập mặn, suy thoái đất, nước ngầm sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong bối cảnh lún sụp nhanh hơn ở bán đảo Cà Mau. Hiện ĐBSCL đang tìm giải pháp từ mô hình kè sinh thái - trồng cây ven sông; các giải pháp chống sạt lở làm bờ kè, kè giảm sóng. Để phòng chống sạt lở bờ sông, các địa phương ở ĐBSCL đều chọn giải pháp làm bờ kè. Đây là giải pháp công trình, an toàn và bền vững nhưng cần nguồn kinh phí xây dựng rất lớn, mà khả năng tài chính khó có thể đáp ứng trong nay mai. Quan điểm xử lý hiện nay được nhiều địa phương thực hiện là từng bước di dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, cấm việc cất nhà ven sông như Cần Thơ đang làm.
Hai nguyên nhân chính hiện nay gây sạt lở, sụp lún là do thiên tai và nhân tai. Trong bối cảnh nguồn phù sa từ dòng Mê Công ngày càng “rơi rụng” ở các đập thủy điện, các địa phương, nhà khoa học cần có nghiên cứu, đưa ra biện pháp chế tài nghiêm túc về việc hạn chế khai thác cát ở các lòng sông. Đồng thời, cần tính toán hạn chế, tiến tới cấm khai thác mạch nước ngầm để tránh tình trạng sụp lún đất. Đây được xem là giải pháp khả thi ít tốn kém và “thuận thiên” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu!