Cực kỳ phức tạp
Đó là cụm từ được nhấn mạnh trong Diễn đàn về Biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ nhất tại Cần Thơ vào tháng 11-2016. Biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức khó lường, không theo quy luật, khó kiểm soát, khó dự báo; quy mô và tính phức tạp ngày càng cao, gây hậu quả lớn và nguy cơ không chỉ mang tính cục bộ (đồng bằng) mà của toàn vùng Nam bộ và cả nước.
Kinh nghiệm dân gian “thất lũ năm trước, bể bờ năm sau” đã không đúng từ nhiều năm. Là người thường xuyên cập nhật số liệu quan trắc ở ĐBSCL, PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng, trong 20 năm qua số trận lũ lớn đã giảm, số trận lũ nhỏ gia tăng. Năm 2020, hơn 160.000ha đất bị bỏ hoang, gần 100.000 gia đình thiếu nước ngọt, thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 5.500 tỷ đồng. Có khoảng 1.100 điểm sạt lở ở vùng ven sông, ven biển, gây thiệt hại nhiều diện tích cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản.
Đâu rồi mênh mang nguồn nước?
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Cả ngàn đời qua, nước nâng đỡ dân Việt bởi nền văn minh lúa nước. Vị thế vùng châu thổ “sóng trào nước xoáy” (chiếm 90% sản lượng gạo, khoảng 80% lượng thủy sản xuất khẩu cả nước) càng được nhấn mạnh khi ngành nông nghiệp nước ta, nhất là từ năm 1986 đến nay, luôn giữ vai trò trọng yếu. “Mùa mưa lũ ở ĐBSCL đang có những thay đổi sâu sắc. Lượng nước lũ trên dòng Mê Công giảm chỉ còn 60%-70% so với những năm trước; nước biển dâng, nước ngầm giảm mạnh và ĐBSCL đang bị lún; nhiệt độ tăng cao khiến nước bốc hơi nhanh... Đồng bằng giờ mùa nắng dài hơn, mùa mưa ngắn lại; hạn hán gia tăng, mặn xâm nhập sớm, vào sâu hơn trên diện rộng; đô thị, công trình bị lún, ngập nhiều hơn trước”, PGS-TS Lê Anh Tuấn phân tích.
Tài nguyên nước ĐBSCL đang đối diện thường xuyên với 5 thử thách (ngập lụt, hạn hán, suy giảm phù sa, nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước). Đặc biệt, phù sa, dưỡng chất chính nuôi sống đất đai và cư dân châu thổ, đã nhợt nhạt dần khiến lòng sông sâu hơn, dòng chảy mạnh hơn, gây xói mòn, sạt lở bờ sông nhanh hơn... “Đất khát” khiến ao hồ trơ đáy, dòng kênh mặn chát, đồng ruộng nứt nẻ; tài nguyên bị xâm lấn, eo hẹp dần (cá, sinh vật hoang dã, than bùn, cát đá xây dựng...) và làm cạn kiệt bao nguồn sinh kế. “Không gian văn hóa mùa nước nổi” độc đáo hàng trăm năm của châu thổ Cửu Long đang nhạt dần ngay trong lòng của nó.
“Thuận thiên - ý Đảng - lòng dân”
Nghị quyết số 120/NQ-CP (17-11-2017) về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ra đời đã xác định lấy con người làm trung tâm, lấy thuận thiên làm xu hướng chủ đạo phát triển vùng. “Nghị quyết 120 là kim chỉ nam, là lời giải có tính lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu. Thuận thiên sẽ không tác động sâu vào tự nhiên, không tối đa sản lượng 3 vụ lúa mà chú trọng khai thác triệt để giá trị mỗi vùng sinh thái, coi tất cả các loại nước hiện có đều là tài nguyên”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập, khẳng định.
Giờ thì tư duy “sống chung với biến đổi khí hậu” đã phổ biến. Hội đồng Điều phối vùng được thành lập; lần đầu tiên có bản quy hoạch tích hợp 2021-2030. Tỷ lệ vốn đầu tư cho ĐBSCL trong tổng vốn đầu tư cả nước tăng từ 12% lên 17% trong 5 năm qua. Một loạt công trình có tính liên kết cao được đầu tư: tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cống Ninh Quới… Dự án Cái Lớn - Cái Bé khi hoàn thành sẽ kiểm soát, điều tiết nguồn nước cho 384.000ha đất tự nhiên ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu…
Trục nông nghiệp đã có sự chuyển đổi theo hướng thuận thiên, xanh, sạch, thông minh. Bên cạnh chuyển đổi diện tích tôm - lúa đạt khoảng 200.000ha (gấp 3 lần so với năm 2000), đồng bằng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất sáng tạo, hiệu quả từ ưu tiên sản xuất lúa sang ưu tiên thủy sản, trái cây, khai thác tốt giá trị mọi loại nước…