Ông Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu của Ngân hàng Saxo (Đan Mạch), cho rằng, dưới sự thúc đẩy của các quỹ phòng hộ, ngân hàng trung ương các nước mua vàng vật chất ổn định… giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Theo phân tích của Hội đồng Vàng thế giới, lãi suất thấp hơn sẽ giúp các tài sản không tính lãi suất như vàng có sức hấp dẫn hơn, đồng thời cũng phản ánh sự thận trọng của cơ quan quản lý chức năng đối với triển vọng kinh tế, thúc đẩy nhà đầu tư hướng vào vàng như một tài sản trú ẩn rủi ro.
FED dự kiến sẽ hạ lãi suất từ 75 đến 100 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ giảm giảm xuống 4,6%. Tập đoàn JP Morgan dự đoán, nếu FED giảm lãi suất, giá vàng có thể đạt được sự đột phá trong năm 2024, tăng lên mức cao 2.300 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vẫn có thể đi xuống nếu lạm phát tăng tốc trở lại, buộc FED từ bỏ ý định chuyển hướng chính sách. Hoặc, nếu lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn tốc độ giảm lãi của FED, nền kinh tế cũng sẽ giảm tốc, từ đó giảm nhu cầu mua vàng.
Trong khi đó, giá dầu thô đã giảm 10% trong năm 2023 và có thể biến động mạnh hơn trong năm nay. Các nhà phân tích cho rằng những yếu tố vốn là nguồn gốc gây biến động thị trường dầu mỏ thế giới trong năm ngoái tiếp tục là nguyên nhân chính của tình trạng bất ổn, từ sự suy yếu trong kiểm soát giá của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đến việc kinh tế Trung Quốc suy giảm.
Theo nhận định của giới chuyên gia trong bài viết đăng tải trên báo điện tử Business Insider (Mỹ), khối OPEC và các đối tác (OPEC+) đã không thể thúc đẩy tăng giá dầu bằng cách giảm sản lượng, trong đó một phần nguyên nhân là các nước ngoài OPEC như Mỹ, Brazil và Guyana vẫn tăng nguồn cung. Trong khi đó, những cam kết mới từ OPEC+ về việc gia hạn cắt giảm sản lượng đến đầu năm 2024 khó có thể thực hiện được.