Dù Ngân hàng Nhà nuớc (NHNN), bộ ngành chức năng đã đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ DN, nhưng ghi nhận từ thực tế cho thấy, mức giảm lãi suất vay từ nhiều ngân hàng vẫn rất khiêm tốn, dao động từ 0,2-0,5%. Thậm chí, có những ngân hàng không áp dụng mức giảm nào với lý do việc kinh doanh đang gặp khó…
Tất nhiên, ngân hàng có lý lẽ của họ, nhưng một trong những giải pháp tháo gỡ vướng mắc này là vừa mới đây TPHCM đã kiến nghị NHNN cho phép áp dụng điều chỉnh nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp từ 70% như hiện nay lên 85% với những DN đang làm ăn có uy tín, khả năng thu hồi vốn trong tương lai, Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là cơ sở quan trọng để các ngân hàng điều chỉnh hạn mức cho vay, giúp DN có thêm vốn lưu động, đưa ngay vào sản xuất.
Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là vấn đề bất cập nhất. Tại một số địa phương, nguồn vốn cho vay kích cầu đầu tư khá lớn nhưng lại không thể cho DN vay vì… quy định không cho. Như tại TPHCM, có nguồn vốn của chương trình kích cầu thông qua đầu tư, DN có thể vay lên đến 200 tỷ đồng/dự án với lãi suất rất thấp so với lãi suất vay ngân hàng. Thế nhưng, do quy định nguồn vốn này chỉ hỗ trợ vay cho DN có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, cải tạo hoặc thay mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị, quy trình sản xuất, nên không thể cho DN vay vốn lưu động để mua nguyên vật liệu.
Trong bối cảnh hiện nay, DN rất khó để nghĩ đến việc đầu tư mở rộng sản xuất, trước mắt chỉ có thể tập trung tăng vốn lưu động để duy trì sản xuất. Nguồn vốn có nhưng không thể cho vay, trong khi nhiều DN đang rất cần. Đây là việc cần điều chỉnh ngay để kịp thời hỗ trợ DN, trước khi DN đuối sức.