Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế là cấp quyết định đầu tư, trực tiếp phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và nghiệm thu quyết toán Dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Hải Vân Quan theo đúng các quy định hiện hành và dự án được phê duyệt. UBND TP Đà Nẵng cử đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tham gia Ban Quản lý dự án thực hiện công trình do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ định. Trong quá trình triển khai thủ tục phê duyệt dự án đầu tư và giai đoạn thực hiện đầu tư, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần thông tin, trao đổi và thống nhất ý kiến bằng văn bản với UBND thành phố Đà Nẵng. Về nguồn vốn đầu tư cho dự án: Ngân sách thành phố Đà Nẵng 50% và Ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế 50% trên tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Sau khi dự án được phê duyệt, UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm chuyển kinh phí theo thỏa thuận vào tài khoản của đơn vị chủ đầu tư dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế theo tiến độ chia làm 2 đợt: Đợt 1: Sau khi dự án được phê duyệt; Đợt 2: Vào tháng 2 năm 2020. Thời gian thực hiện và hoàn thành: 2019 - 2020.
Song song với quá trình triển khai dự án, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và các đơn vị liên quan của hai địa phương xây dựng kế hoạch, cơ chế quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát huy giá trị và khai thác dịch vụ du lịch của di tích đảm bảo lợi ích chung giữa hai địa phương.
Hải Vân Quan tọa lạc trên núi Hải Vân thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Công trình được Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích Quốc gia và Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật đối với di tích Hải Vân Quan vào năm 2017. Đây là cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý Bắc - Nam có từ thời Lê. Đến triều Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân Quan thành một trong những tổ hợp công trình để phòng thủ cho Kinh đô Huế cũng như giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng.
Công trình này chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa lịch sử, và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Hải Vân Quan sẽ là mắt xích quan trọng nối kết hai vùng du lịch Bắc và Nam Trung bộ.