Nhiều giải pháp được tập trung chỉ đạo
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 38 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên - Huế, ngày 13-5-2022, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình về thực hiện Nghị quyết này. Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đang xây dựng kế hoạch triển khai chương trình của Tỉnh ủy, đồng thời, tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, vận động sự chung sức của người dân và doanh nghiệp (DN) đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết.
Cùng với đó, hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Ưu tiên đầu tư phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô; tăng tỷ lệ lấp đầy tại các KCN, CCN. Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, quy mô lớn. Hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, định hướng phát triển thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Chi nhánh tại Huế và từng bước hình thành Khu công nghệ cao quốc gia tại Huế.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ban hành chính sách thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt thu hút các đối tác chiến lược, các nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAPI, ICT-index... Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa, làm cơ sở để tổ chức thực hiện Nghị quyết 38.
Bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản
Trong các cơ chế, chính sách đặc thù có 2 nhóm về bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản. Đây được xem các là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hòa dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước; 100% phí tham quan nêu trên tỉnh được được sử dụng để đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Theo quy định của Luật Phí và lệ phí, các khoản thu từ phí được để lại để chi trả cho các hoạt động liên quan đến việc thu phí thì phần còn lại phải nộp ngân sách nhà nước, được tổng hợp chung vào cân đối ngân sách theo quy định để chi cho các nhiệm vụ khác nhau của Nhà nước. Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế này, tỉnh được Quốc hội, Chính phủ cho phép sử dụng 100% nguồn thu phí tham quan nộp ngân sách để chỉ sử dụng cho mục đích duy nhất là đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế, quỹ được hình thành từ các nguồn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích.
Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, việc huy động nguồn lực xã hội để trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là phù hợp với quy định tại Điều 58 Luật Di sản văn hoá, nhưng trước đây việc quản lý nguồn vốn huy động này như một khoản thu ngân sách nhà nước trong một số trường hợp là chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, việc các địa phương khác muốn hỗ trợ ngân sách cho Thừa Thiên - Huế thông qua các hình thức chuyển trực tiếp vào thu ngân sách nhà nước tỉnh hoặc thông qua tài trợ cho quỹ tài chính đặc thù do tỉnh thành lập cũng không đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Việc Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế sẽ giúp tháo gỡ được những khó khăn và tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong việc huy động và quản lý các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ trùng tu di sản văn hóa, đồng thời đảm bảo tính công khai minh bạch các khoản chi, tạo niềm tin lâu dài cho các tổ chức và cá nhân tài trợ vốn... Hiện nay, UBND tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để trình Chính phủ thông qua Nghị định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản”, ông Phan Quý Phương nhìn nhận.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương, trong bối cảnh việc huy động xã hội hóa, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện công tác trùng tu di tích còn nhiều khó khăn, hạn chế thì 2 chính sách nêu trên của Trung ương là hết sức cần thiết và phù hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế để địa phương có nguồn lực thực hiện trùng tu, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn.
Đây cũng là các chính sách mà người dân địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thông qua việc mua vé tham quan các di tích trên địa bàn hoặc đóng góp trực tiếp vào Quỹ Bảo tồn di sản Huế là đã có thể góp một phần nhỏ công sức và tình cảm của mình cùng chính quyền và nhân dân tỉnh thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn các di tích, di sản văn hóa Huế cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Cơ chế tạo ra nguồn lực
Theo các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua, về cơ chế mức dư nợ vay không vượt quá 40%, mức dư nợ vay của địa phương đạt gần 2.400 tỷ đồng; tăng 1.200 tỷ đồng tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các dự án ODA đang triển khai và thực hiện thêm một số dự án mới.
Cơ chế phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên, với cơ chế này, Thừa Thiên - Huế được tăng thêm khoảng 1.300 tỷ đồng so với trước.
Cơ chế Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu 70% số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu so với dự toán Chính phủ giao, theo tính toán, tỉnh Thừa Thiên – Huế được hưởng từ chính sách 140 tỷ đồng, bình quân là 28 tỷ đồng/năm.
Việc ngân sách tỉnh được hưởng 50% nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý, nguồn thu này sẽ là một nguồn lực không nhỏ để phục vụ mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sau khi áp dụng được các cơ chế, chính sách đặc thù này, sẽ tạo điều kiện cho Thừa Thiên - Huế huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo đà phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khi nguồn cân đối từ ngân sách địa phương hiện nay còn hạn chế, chưa thể đáp ứng yêu cầu. Cùng với nhiều việc tỉnh đang triển khai thực hiện kết hợp việc tận dụng các cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo tiền đề, một diện mạo mới để Huế đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với hạt nhân là thành phố Huế - thành phố Festival, thành phố Xanh Quốc gia, thành phố Văn hóa Asean và là “một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo mục tiêu mà Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. |